Ngày 1/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Dự thảo Luật cũng quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng thêm tối đa là hai năm.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói quy định chuyển tiếp nhằm tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng công chứng viên hành nghề, bảo đảm có thời gian chuyển tiếp để bổ nhiệm công chứng viên thay thế số lượng công chứng viên trên 70 tuổi thôi hành nghề.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi. Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị quy định giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên là không quá 65 tuổi.
Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định về độ tuổi được thực hiện hoạt động công chứng của công chứng viên vì có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Một số đại biểu cho rằng công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức và kỹ năng hành nghề công chứng, nếu dự thảo giới hạn cứng nhắc độ tuổi hành nghề sẽ gây lãng phí xã hội. Do vậy, ý kiến này đề nghị không giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề nhất định nhưng phải trên 70 tuổi.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên. Dẫn số liệu từ Bộ Y tế, bà Thanh nói tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên gần 74 tuổi, nhiều người 70 tuổi còn minh mẫn, đảm bảo sức khỏe. Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng nếu quy định cứng "không quá 70 tuổi" có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội nên cần có quy định khả thi hơn.
Đồng tình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng dự luật nên sửa lại theo hướng "không quá 75 tuổi" để phù hợp Bộ luật Lao động và một số luật chuyên ngành.
Giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng một số trường hợp
Dự thảo cũng bổ sung một số vị trí được giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề gồm: Người đã có thời gian từ đủ 5 năm trở lên làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm tra viên chính ngành tòa án, chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
Đối tượng thuộc diện này còn có luật sư, thừa phát lại, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 5 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án; kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; chấp hành viên cao cấp thi hành án dân sự; trợ giúp viên pháp lý hạng I, thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
Người đang được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng theo Luật Công chứng hiện hành sẽ phải tham gia đào tạo nghề nhưng được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng. Thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng, trừ những đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 9 có thời gian đào tạo là sáu tháng.
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá quy định của dự thảo luật là phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công chứng viên, tăng cường bảo đảm sự ổn định, an toàn của các hợp đồng, giao dịch có quy mô ngày càng lớn, diễn ra thường xuyên và phức tạp hơn.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động nhóm đối tượng được đào tạo nghề công chứng sáu tháng để vừa đáp ứng nhu cầu được hành nghề công chứng nhưng vẫn phải bảo đảm nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên.
Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 vào giữa năm.
Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu năm 2024 của lao động nam trong điều kiện làm việc bình thường là 61 và nữ 56 tuổi 4 tháng. Lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu muộn hơn song không quá 5 tuổi so với quy định. Khi hưu trí đã đạt lộ trình thì tuổi nghỉ tối đa của nam không quá 67 và nữ không quá 65 tuổi.
Nghị định 50 do Chính phủ ban hành năm 2022 cho phép áp dụng quy định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật trong đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức một số lĩnh vực đặc thù.
Bốn nhóm được áp dụng quy định này, gồm: viên chức có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo là tiến sĩ hoặc chuyên khoa II; giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần; viên chức có chuyên môn, kỹ thuật cao một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Xem thêm: lmth.5919274-iout-07-auq-coud-gnohk-neiv-gnuhc-gnoc-taux-ed/ten.sserpxenv