Lỗ lũy kế gần 1.700 tỉ đồng, cổ phiếu công ty bầu Đức vẫn trong diện cảnh báo
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo việc giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Công ty này do ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức) làm chủ tịch Hội đồng quản trị.
HoSE cho biết lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31-12-2023 của HAG là -1.669 tỉ đồng (theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán), do vậy chưa đáp ứng quy định về quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2023, lợi nhuận sau thuế HAG đạt 1.781 tỉ đồng. Lỗ lũy kế theo đó giảm từ mức 3.341 tỉ đồng xuống còn 1.169 tỉ đồng. Tuy nhiên theo kiểm toán, cùng với khoản lỗ lũy kế, nợ ngắn hạn của tập đoàn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 941 tỉ đồng.
Các điều kiện này cùng những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL, kiểm toán nhấn mạnh.
Một công ty nợ 4.800 tỉ đồng trái phiếu, chưa trả được vì "tài khoản bị phong tỏa"
Công ty cổ phần Bông Sen vừa công bố về tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu trong năm 2023. Theo đó, công ty đang có lô trái phiếu trị giá 4.800 tỉ đồng, phát hành từ năm 2021.
Tuy nhiên, do chậm kỳ trả gốc, lãi từ năm 2022 đến nay, nên tổng dư lãi vay tính đến hết 2023 là 150 tỉ đồng, còn số lãi phạt lên tới 910 tỉ đồng. Nguyên nhân khiến Bông Sen chưa thể thanh toán do "tài khoản bị phong tỏa".
Bông Sen được biết là doanh nghiệp sở hữu chuỗi khách sạn đắc địa ở TP.HCM, gồm: Bông Sen Saigon (117-123 Đồng Khởi), Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng)… cùng chuỗi nhà hàng ở khu phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Công ty này cũng được giới truyền thông nhắc đến nhiều hơn gần đây khi nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Hiện cơ quan điều tra đang làm việc về vấn đề này.
Quy định về hoạt động lấn biển trong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực
Điều 190 quy định về hoạt động lấn biển và Điều 248 quy định về chuyển mục đích sử dụng đất rừng trong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1-4.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Điều 190 quy định về hoạt động lấn biển, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển. Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển.
Trong đó, các hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc như bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển, phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế.
Điều 248 quy định việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải dựa vào các căn cứ kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng…
Trước đó, Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, có 16 chương, 260 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2025. Riêng điều 190 và 248 có hiệu lực sớm kể từ ngày 1-4.
Cầu Tăng Long, TP Thủ Đức có 100% mặt bằng sạch để thi công
Tin tức từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, dự án cầu Tăng Long (đường Lã Xuân Oai, TP Thủ Đức) đã có 100% mặt bằng sạch. Theo đó, 17 hộ dân còn lại đã di dời và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tiếp tục thi công hoàn tất cây cầu từ ngày 14-3.
Các đơn vị lập tức huy động nhân công - máy móc để thi công, bù đắp tiến độ bị hụt trước đó. Hiện các đơn vị đã bắt tay di dời đường ống nước D600 ở khu vực này.
Một cán bộ Ban Giao thông cho biết cầu Tăng Long có xe cộ qua lại đông đúc, đường sá không đáp ứng được nhu cầu đi lại. Do đó các đơn vị cũng đang khẩn trương làm đường tránh để dân đi trong thời gian thi công phần còn lại của dự án.
Dự án xây dựng cầu Tăng Long khởi công vào tháng 12-2017, đến tháng 9-2019 phải tạm ngưng thi công do không có mặt bằng. Vào tháng 10-2023, UBND TP Thủ Đức phối hợp Ban Giao thông tổ chức lễ bàn giao mặt bằng và tái thi công cầu Tăng Long.
Sau khi có mặt bằng sạch, chủ đầu tư, nhà thầu… tập trung thi công để xong một nhánh cầu hoàn thành vào cuối tháng 10-2024 và nhánh còn lại hoàn thành vào cuối năm 2025. Dự kiến sẽ thông xe cầu vào dịp 30-4-2025.
TP.HCM: Ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhẹ
Theo báo cáo mới của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần gần nhất, toàn TP ghi nhận 118 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 1/3 so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 12 là 1.620 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 6, 8 và huyện Nhà Bè.
Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây lan. Bệnh có thể diễn tiến nặng nhanh, đe dọa tính mạng của trẻ.
Để phòng bệnh, HCDC khuyến cáo phụ huynh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày. Khi trẻ mắc bệnh hãy để trẻ ở nhà ít nhất 10 ngày để theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ.
Bé trai 10 tháng tuổi quê tại Tiền Giang bị tay chân miệng rất nặng, ngưng tim, ngưng thở, mạch và huyết áp bằng 0 nhập viện trong tình trạng nguy kịch đã được các bác sĩ cứu sống.