vĐồng tin tức tài chính 365

VKS: 'Trương Mỹ Lan không cho SCB mượn tài sản, không bị thiệt hại'

2024-04-02 08:04

Ngày 1/4, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm về các sai phạm tại SCB tiếp tục với phần đại diện VKS đối đáp lại 8 nhóm vấn đề mà các bị cáo và luật sư đưa ra khi bào chữa.

Clip minh họa tòa bà Lan 1-4
 
 

Các bị cáo tại tòa, ngày 1/4. Video: Nguyễn Điệp

Trước đó, trong phần xét hỏi cũng như bào chữa, bà Lan và các luật sư nhiều lần đề cập bị cáo đã đưa nhiều tài sản có giá trị vào ngân hàng cho SCB mượn để tái cơ cấu, dẫn đến hiện giờ chính bà là người bị thiệt hại, mất hết tài sản.

VKS bác bỏ, cho rằng "đây chỉ là lời khai nại (không đúng sự thật)". Tài liệu trong hồ sơ về các chứng từ rút, nộp tiền, báo cáo, tờ trình của SCB về 5 phương án tái cơ cấu, các văn bản phê duyệt của NHNN... có đủ căn cứ xác định bà Lan không cho SCB mượn tài sản mà dùng thủ đoạn đưa tài sản vào để tạo lập khoản vay mới, trả nợ cho các khoản cũ của chính bị cáo và các công ty liên quan tại các ngân hàng từ trước khi hợp nhất.

Lời khai của các bị cáo Lê Khánh Hiền, Võ Văn Tường, Phạm Văn Phi (cựu lãnh đạo SCB giai đoạn sau hợp nhất) đều xác nhận các khoản vay còn dư nợ, các khoản phải thu từ trước hợp nhất là của chính bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Lời khai của những người đứng tên tài sản đảm bảo, đứng tên khoản vay cũng xác nhận vấn đề này.

Theo phương án cơ cấu, bà Lan dùng 5 tài sản gồm tòa nhà Windsor Plaza; các dự án 289 Trần Hưng Đạo, khu 5-2, Times Square, Chợ Vải đưa vào SCB xử lý các khoản nợ phát sinh trước hợp nhất là 48.759 tỷ đồng gốc và lãi. Thực tế, bà Lan không thiệt hại bởi SCB đã cho bị cáo lấy các tài sản này ra bằng cách rút, hoán đổi, mua lại bằng chính tiền giải ngân khoản vay theo phương án, dự án, số tài sản này với giá trị 55.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền SCB giải ngân thông qua phương án tái cơ cấu để trả cho các khoản nợ cũ là 57.000 tỷ đồng.

Việc bị cáo Lan và các đồng phạm lập các báo cáo trình NHNN phê duyệt phương án tái cơ cấu là không đầy đủ, bản chất các khoản nợ phải thu cũ là của chính bị cáo. Bản chất các khoản vay mới là hợp thức, che giấu việc bà Lan không trả nợ các khoản nợ cũ. "Từ đó, bị cáo Lan lợi dụng việc đưa một số tài sản vào để tất cả đồng phạm dưới quyền, các cá nhân liên quan tin tưởng bị cáo là người bảo trợ cho SCB", VKS nêu quan điểm, đồng thời cho rằng các luật sư nói bị cáo cho SCB mượn tài sản và bị thiệt hại là không có căn cứ.

VKS tiếp tục dẫn lời khai của bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó tổng giám đốc SCB; Trương Khánh Hoàng, cựu quyền tổng giám đốc SCB... cho rằng, thực tế bà Lan không đưa tài sản vào cho SCB mượn mà đưa các tài sản giá trị thấp vào để vay số tiền lớn, sau đó sử dụng để đầu tư vào các dự án bất động sản.

"Thực tế, bị cáo sử dụng SCB như một công cụ tài chính, coi SCB như nơi giữ tiền của mình, khi nào cần tiền là chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ khống lấy ra sử dụng", đại diện VKS nói. "Điển hình là, khi cần tiền mặt, bị cáo chỉ đạo các lãnh đạo SCB, nhân viên dưới quyền hợp thức hồ sơ, rút tiền mặt hơn 108.878 tỷ đồng và hơn 14,7 triệu USD chuyển về nhà riêng để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau".

Hay như vụ bà Lan "trả công" Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) 1.500 tỷ đồng vì đã xin cấp phép dự án. Bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng nhóm Công ty Tường Việt đứng tên khoản vay để rút tiền của SCB, rồi chuyển cho Trước và "đây thực chất là chiếm đoạt tiền của ngân hàng".

Thiệt hại của vụ án được tính thế nào

Đại diện VKS cũng bác bỏ quan điểm của các luật sư cho rằng phải trưng cầu kết quả định giá của cơ quan định giá trong tố tụng hình sự để xác định thiệt hại vụ án mới đảm bảo tính khách quan, chính xác.

Theo VKS, cơ quan tố tụng không căn cứ vào kết quả định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân, mà căn cứ vào phương pháp điều tra khác, phù hợp với số liệu của SCB, các cơ quan kiểm toán độc lập, lời khai các bị cáo và nhiều chứng cứ khác trong hồ sơ.

Hành vi phạm tội của bà Lan diễn ra trong thời gian dài, sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiền cho hoạt động kinh doanh và mục đích cá nhân. Bất cứ khi nào cần tiền, bà Lan chỉ đạo nhóm nhân viên thân tín và cán bộ chủ chốt của SCB lập hồ sơ khống, giải ngân... Do đó, số tiền thiệt hại của vụ án phải được xác định là dư nợ.

Việc bị cáo đưa tài sản vào thế chấp cho các khoản vay chỉ là phương thức, thủ đoạn nhằm rút tiền. Thực chất, các tài sản đảm bảo này bị cáo rút ra bất cứ khi nào, không đủ pháp lý, không đăng ký giao dịch bảo đảm... Nếu vụ án không bị phát hiện thì hành vi của bị cáo còn tiếp diễn. Hiện, SCB quản lý một số tài sản có khả năng khắc phục hậu quả. Vì vậy, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, các tài sản này sẽ được dùng để loại trừ một phần trách nhiệm hậu quả.

"Nếu VKS áp dụng mức thiệt hại của vụ án là hơn 670.0000 tỷ thì mức hình phạt đề nghị đối với các bị cáo sẽ khác. Còn HĐXX có chấp nhận quan điểm của VKS hay không, hay xác định thiệt hại là 670.000 tỷ đồng làm căn cứ xác định mức hình phạt thì do tòa quyết định", đại diện VKS nói.

Đối với đề nghị của luật sư cần lấy dư nợ từng khoản vay trừ tài sản đảm bảo sau khi được xử lý làm căn cứ xác định thiệt hại, VKS cho rằng, phương pháp này chỉ áp dụng đối với các quan hệ tín dụng thông thường khi phát sinh tranh chấp. Trong vụ án này, bản chất của các hợp động tín dụng là nhằm chiếm đoạt tiền của SCB, nên không chấp nhận quan điểm của luật sư về căn cứ xác định thiệt hại trên.

VKS cũng bác bỏ quan điểm không nên tính lãi đối với các khoản thiệt hại cho bị cáo, bởi nếu các hoạt động của ngân hàng diễn ra theo quy trình thông thường thì ngân hàng phải trả một khoản tiền lãi cho người gửi ngân hàng. Trong vụ án này, bà Lan đã chiếm đoạt tiền của người gửi tại ngân hàng thông qua các bị cáo chủ chốt, SCB trở thành người gánh chịu hậu quả do các bị cáo gây ra, nên phải chịu trách nhiệm về cả hình sự và dân sự; với cả tiền gốc và lãi.

Bi cáo Trương Mỹ Lan tại tòa hôm nay. Ảnh: Quỳnh Trần

Bi cáo Trương Mỹ Lan tại tòa hôm nay. Ảnh: Quỳnh Trần

Vì sao một hành vi lại bị truy tố về 2 tội?

Quá trình bào chữa, một số luật sư cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo Lan và đồng phạm là cùng một phương thức, thủ đoạn, xuyên suốt trong thời gian dài. Việc chia và xử lý các bị cáo về hai tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụngTham ô là gây bất lợi cho thân chủ.

VKS đồng ý với quan điểm hành vi của bị cáo Lan và đồng phạm có phương thức và thủ đoạn tương tự, song bà Lan ngay từ đầu đã có mục đích chiếm đoạt tài sản. Thời điểm trước ngày 1/1/2018 Bộ luật Hình sự chưa quy định về hành vi Tham ô đối với tài sản thuộc thuộc nhóm ngoài Nhà nước, nên hành vi của bà Lan và đồng phạm từ ngày 1/1/2012 đến 1/1/2018 thỏa mãn các dấu hiệu về tội Vi phạm hoạt động ngân hàng. Sau ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự đã quy định về tội Tham ô đối với tài sản thuộc sở hữu tư nhân và đã có văn bản hướng dẫn áp dụng quy định này, nên hành vi của các bị cáo là Tham ô tài sản.

Về việc luật sư cho rằng nhóm bị cáo là đồng phạm với bà Lan nhưng bị truy tố về hai tội danh khác nhau, VKS tiếp tục khẳng định cáo trạng truy tố đúng, căn cứ trên các yếu tố cấu thành tội. Cụ thể, từ 2012 đến 2022, bà Lan và đồng phạm với nhiều cương vị khác nhau thực hiện chuỗi hành vi phạm tội có tổ chức, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Cơ quan tố tụng đã phân hóa ra các vai trò, tính chất của từng bị cáo để xác định tội danh là đúng theo quy định pháp luật.

Đối với những bị cáo trực tiếp nhận chỉ đạo của bà Lan thì bị truy tố về tội Tham ô tài sản. Một số bị cáo khác chỉ là người làm công ăn lương, làm việc theo chỉ đạo, biết sai nên xin nghỉ việc - thể hiện ý thức của họ không nhằm chiếm đoạt tài sản để gây hậu quả. Thực tế, họ có thực hiện hành vi sai phạm nên cơ quan tố tụng xử lý về tội Vi phạm hoạt động ngân hàng là có căn cứ.

Trước đó, hôm 19/3, VKS xác định bà Lan là người chủ mưu cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB, nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản; Đưa hối lộ.

Bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo quan trọng trong vụ án. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo quan trọng trong vụ án. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Trương Mỹ Lan chi phối, điều hành SCB

Đối với việc bà Lan và các luật sư cho rằng bị cáo không phải là người chi phối điều hành SCB, không phải chủ thể của tội Tham ô tài sản, VKS nói nhận định, đánh giá như thế là không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, các tài liệu chứng cứ khác cũng như diễn biến tại phiên tòa.

Theo VKS, bà Lan mặc dù không là thành viên HĐQT nhưng kết quả điều tra xác định bị cáo là chủ thực sự của SCB, đã thâu tóm và sở hữu, chi phối hơn 91,5 % cổ phần của ngân hàng. Việc này thể hiện trong rất nhiều chứng cứ cũng như diễn biến tại tòa như: bảng kê biến động cổ đông của SCB, lời khai của Tạ Chiêu Trung (Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Việt Vĩnh Phú, cựu phó tổng giám đốc SCB) trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, cho biết mọi biến động cổ phần của SCB đều thực hiện theo chỉ đạo của bà Lan. Việc mua thêm cổ phần của SCB cũng là thực hiện theo chỉ đạo của bà Lan và lấy tiền của Vạn Thịnh Phát.

Cơ quan điều tra đã thu giữ 6 sổ chứng nhận cổ phần gốc bản gốc của Công ty Việt Vĩnh Phú, 5 công ty nước ngoài, trong phòng làm việc của bà Lan. Lời khai của những người liên quan đều khẳng định "được bà Lan nhờ đứng tên". "Chính bị cáo cũng xác nhận đã vận động người thân, bạn bè mua để sở hữu 65% cổ phần trước khi hợp nhất. Bản thân bị cáo từng khai đang tìm và thỏa thuận với nhà đầu tư nước ngoài Nhật Bản, Singapore để bán cổ phần của mình...", đại diện VKS dẫn lời khai của bà Lan tại phần xét hỏi.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, SCB là ngân hàng được thành lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là cơ quan quyết định cao nhất, HĐQT chỉ là cơ quan được lập ra để quản lý công ty, do ĐHĐCĐ bầu ra. VKS cũng viện dẫn nhiều quy định của Luật các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp liên quan đến vấn đề biểu quyết đề cử thành viên HĐQT để chứng minh thành viên HĐQT chịu sự chi phối của cổ đông nắm giữ cổ phần lớn.

"Bà Lan quyết định mọi hoạt động điều hành của SCB, các lãnh đạo SCB qua các thời kỳ không phải là người có quyền hạn cao nhất mà chỉ thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo", đại diện VKS nói, đồng thời cho rằng có đủ căn cứ xác định bà Lan là người sắp xếp nhân sự chủ chốt, đưa ra các phương thức thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội.

Chiều nay, đại diện VKS sẽ đưa ra quan điểm ở các nội dung tranh luận còn lại. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến cuối tháng 4.

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022) đã sử dụng SCB như công cụ tài chính, đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.

Ba đồng phạm của bà Lan là bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc; Đinh Văn Thành (bỏ trốn) và Bùi Anh Dũng đều là cựu chủ tịch HĐQT SCB bị đề nghị mức án từ chung thân về các tội Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 20 năm tù.

Hải Duyên

Xem thêm: lmth.6209274-iah-teiht-ib-gnohk-nas-iat-noum-bcs-ohc-gnohk-nal-ym-gnourt-skv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“VKS: 'Trương Mỹ Lan không cho SCB mượn tài sản, không bị thiệt hại'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools