Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết đường vào da và mô mềm theo dõi Vibrio vulnificus, theo dõi tiền sốc nhiễm khuẩn, tình trạng bệnh nặng.
Tại sao bị cá trê "chém" mà bệnh nguy hiểm như vậy? Về chuyên môn, khi bị cá trê chém, cơ thể con người sẽ bị hai tác động nguy hiểm, đó là nọc độc của cá trê và nhiễm trùng cơ hội qua vết thương bị chém.
Thứ nhất là nọc độc của cá trê. Cá trê có hai ngạnh nhọn ở hai bên mang, cả hai ngạnh đều chứa nọc độc. Nọc độc này được sản xuất bởi các tuyến nọc nằm ở gốc của mỗi ngạnh.
Khi "chém", nọc độc sẽ được bơm vào cơ thể nạn nhân qua vết thương. Nọc độc cá trê chỉ được tiết ra khi cá cảm thấy bị đe dọa, như khi bị bắt hoặc bị tấn công.
Nọc độc cá trê bao gồm một số protein độc tố khác nhau. Khi gắn kết nhau, nó sẽ kích hoạt một loạt các phản ứng hóa học dẫn đến phá hủy tế bào.
Tế bào của con người khi bị phá hủy sẽ gây các triệu chứng như đau nhức, sưng tấy, mẩn đỏ, thiếu máu, tê bì, ngứa ran và yếu cơ.
Khi người bị nhiễm những chất độc của cá trê qua ngạnh "chém", chất độc đó vừa làm tổn thương tế bào vừa làm tổn thương hệ thần kinh nên nạn nhân có triệu chứng đau dữ dội "đau như cá chém" - cơn đau có sự phối hợp của cơn đau do thần kinh và đau do phản ứng viêm.
Thứ hai là nhiễm trùng cơ hội qua vết thương. Ngạnh cá trê thường dài và sắc, do đó vết thương do cá trê chém thường sâu và rách da với kích thước lớn, vì vậy sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có cơ hội xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng.
Có nhiều loại vi trùng xâm nhập vào vết cá trê "chém", trong đó thường gặp nhất là vi khuẩn Vibrio vulnificus. Cá trê là loài cá da trơn sống ở môi trường nước ngọt và nước lợ, nơi có nhiều bùn sình, thiếu oxy, do đó chúng có thể mang vi khuẩn Vibrio vulnificus trên da và trong cơ thể.
Vi khuẩn Vibrio vulnificus có khả năng tiết ra một số loại độc tố như Cytolysin, Protease, Endotoxin gây tổn thương tế bào và dẫn đến phản ứng viêm, nặng nhất là những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, hoại tử da, suy gan, suy thận và tử vong.
Theo một số nghiên cứu, tỉ lệ tử vong do nhiễm Vibrio vulnificus từ vết thương cá "chém" dao động từ 15-50%.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) có báo cáo tỉ lệ tử vong do nhiễm Vibrio vulnificus ở Mỹ là khoảng 17%, tùy thuộc vào các yếu tố như sức khỏe người bệnh, mức độ nghiêm trọng của vết thương và thời gian điều trị.
Người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như người cao tuổi, người có bệnh gan hoặc bệnh thận, và người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh nặng.
Để giảm nguy cơ nhiễm Vibrio vulnificus từ vết thương do cá "chém", bà con mình nên rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng và nước ấm, sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn như cồn, iodine và nên đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị phù hợp.
Vết thương tưởng đơn giản là ngạnh cá trê đâm vào tay đã dẫn đến tình trạng nguy kịch ở một phụ nữ 57 tuổi. Hiện bệnh nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.