Đó là đề xuất của các chuyên gia cũng như nhiều người dân khi trao đổi về chuyện "sớm nở tối tàn" của hàng loạt chợ đêm trên địa bàn, khi số lượng khách đến chợ đêm ngày càng thưa thớt như phản ánh của Tuổi Trẻ trong bài viết "Chợ đêm TP.HCM: Mới mở đông đúc, về sau thưa dần" (Tuổi Trẻ ngày 31-3).
Chợ đêm chưa hút khách do chỉ là "phố hàng rong"
Khi nói về hoạt động của một số chợ đêm thời gian qua, anh Võ Duy Phương (quận 1) bày tỏ thất vọng khi cho biết hầu hết đều chỉ bán đồ ăn uống vặt, trà sữa, cá viên chiên... không khác các phố hàng rong. "Hơn nữa nhiều người sợ bị phạt nồng độ cồn nên cũng không chọn chợ đêm để tụ tập lai rai. Do đó, với tôi, chợ đêm chưa có gì hấp dẫn để quay trở lại", anh Phương cho biết.
Theo chị Nguyễn Thị Thu (TP Thủ Đức), gọi là chợ đêm nhưng giá "trung tâm thương mại", đắt trong khi hàng hóa và sản phẩm rất ít. "Khuôn viên cần rộng rãi cho người ta đi dạo, ăn uống, kết hợp nhà nghỉ qua đêm giá bình dân thì dân mới đến, khách du lịch mới quan tâm. Làm theo phong trào, quận này có, quận kia cũng có chợ cho nên nở rộ rồi chết yểu rất nhanh là điều dễ hiểu", chị Thu khẳng định.
Anh Trần Minh Huy (quận 5) cũng cho rằng khi nói đến chợ đêm, anh hình dung ra phố cá viên chiên, trà chanh, trà sữa, chân gà sả tắc... "Khu mình có một phố ẩm thực, mới đầu còn sốt giá thuê mặt bằng. Giờ thì đã trả lại mặt bằng và đăng biển cho thuê. Vì khu vực chợ đêm này vào ban ngày vẫn họp chợ, cũng bán hàng rong... Sớm nở tối tàn chứ sao trụ nổi", anh Huy chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng các địa phương đã không xây dựng khách hàng mục tiêu trước khi mở chợ đêm, chưa kể chợ không có nhà vệ sinh công cộng, giao thông lộn xộn, người bán lại "chặt chém", không có sự lồng ghép của phần hội, ẩm thực đa số là những món ăn vặt bình thường nên không thể tồn tại lâu hoặc phát triển thành một điểm đến với nhiều du khách.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) nói nhiều chợ đêm vẫn chưa thu hút khách là do sản phẩm mặt hàng không đa dạng, không mang tính đặc sản đặc trưng cho TP.HCM. "Đến chợ đêm không biết mua gì để nhìn vào món đồ là biết đi chợ đêm về. Khách nội địa cũng chưa mặn mà vì các hoạt động của chợ không đa dạng, chợ cũng chưa là điểm check-in sống ảo của giới trẻ", ông Huân nói.
Chợ đêm chủ yếu vui chơi
Đại diện một số ban quản lý chợ đêm ở TP.HCM cho rằng rất khó tổ chức lại, thay "áo mới" cho chợ đêm theo hướng có sản phẩm đặc trưng của TP, trở thành điểm check-in cho du khách và giới trẻ... Theo đại diện ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1), bất cứ sản phẩm nào, giả sử là đặc trưng và duy nhất được bán ở chợ Bến Thành, ngay lập tức ngày hôm sau thị trường cũng có, thậm chí còn lan tỏa các tỉnh khác, về các vùng quê...
Vị này khẳng định trừ những sản phẩm có giá trị lớn và được bảo hộ, bất cứ sản phẩm nào cũng đều bị làm nhái nên khó có sản phẩm đặc trưng của chợ đêm. "Có sản phẩm nhái, khách cần gì đi chợ đêm mới mua được sản phẩm đặc trưng. Hơn nữa khách đi chợ đêm chủ yếu là vui chơi, nếu mua sắm sẽ chọn đi chợ ngày. Do đó muốn thu hút khách đến với chợ đêm trước hết phải xây dựng được hình ảnh chợ đêm cho khách du lịch đến vui chơi, check-in", vị này nói.
Cũng theo vị này, chợ đêm Bến Thành phụ thuộc rất lớn vào khách du lịch. Trong khi đó, đây là mùa nắng nóng, lượng du khách trong nước giảm, lượng khách quốc tế cũng đi theo mùa, trước và sau Tết rất ít khách du lịch. "Vậy làm sao tạo được hình ảnh? Cần phối hợp tour du lịch để đưa du khách tới trải nghiệm. Thương nhân cần khách nhiều để bán có lời, sau đó họ mới đồng lòng cùng mình làm hình ảnh cho chợ đêm để kéo khách", vị này khẳng định.
Trong khi đó, dù thừa nhận chợ đêm phải gắn với lễ hội, ca múa nhạc được tổ chức thường xuyên, nhưng đại diện ban quản lý chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10) cho rằng với quy mô hoạt động của một số chợ đêm hiện nay sẽ không đủ nguồn lực để tổ chức theo hướng này. Bởi tổ chức một hoạt động dù nhỏ cũng đòi hỏi phải tốn chi phí từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
"Ban quản lý chợ cũng không có năng lực và nguồn lực để tổ chức những hoạt động vui chơi kết hợp tại chợ đêm. Hơn nữa, nếu tự đứng ra tổ chức, liệu có duy trì được một thời gian dài hay chỉ làm một lần rồi thôi? Chỉ có kết hợp với quận huyện, hoạt động như một công ty mới hy vọng làm được. Chứ với quy mô, chức năng và nguồn lực sẵn có, các chợ không làm được, thậm chí 5-6 chợ gom lại cũng không làm được", vị này nhìn nhận.
Sẽ có một chợ đêm hoạt động bài bản?
Theo một chuyên gia trong nhóm thiết kế chợ đêm, Việt Nam chưa có chợ đêm nào đúng nghĩa như các chợ đêm đang rất thành công tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... "Một chợ đêm đúng nghĩa phải hoạt động từ 6h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau, phục vụ khách du lịch và người dân có nhu cầu đến vui chơi giải trí và hiểu về cuộc sống chợ đêm", chuyên gia này nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, với đề án chợ đêm đường Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) nối chợ Bến Thành, nhóm tư vấn đề xuất tổ chức hoạt động từ 6h tối. Mỗi xe bán những sản phẩm đồ ăn thức uống tiêu biểu từng địa bàn như cơm tấm Đa Kao, phở Pasteur... Khi đó khách du lịch sẽ đổ về vui chơi ăn uống, xem các loại hình nghệ thuật tại đây. Đến 4h sáng hôm sau, mặt bằng giao thông được trả lại cho hoạt động ban ngày, giống như ở quận Gangnam (Seoul).
Vì sao nhiều chợ đêm mới mở được kỳ vọng đông đúc nhưng lại sớm rơi vào cảnh đìu hiu? Cách nào để chợ đêm tồn tại và phát triển, không phải chạy theo phong trào?