Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004 phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Sau 20 năm thực hiện Quyết định này, với hàng loạt cơ chế chính sách ưu tiên, đặc thù, Phú Quốc đã có sự phát triển vượt bậc. Đến nay, đảo Ngọc đã kết nối trực tiếp đến tất cả các sân bay trong nước và 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực du lịch.
Từ một địa phương không có dự án đầu tư nào, đến năm 2023, TP. Phú Quốc đã thu hút 321 dự án đầu tư, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh. Từ huyện đảo ít người biết, đến năm 2023, Phú Quốc đã đón trên 5,5 triệu lượt du khách, tăng hơn 42 lần so với cách đây 20 năm.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh "6 cái hơn" với Phú Quốc sau 20 năm triển khai Quyết định 178, đó là: tiềm lực được tăng cường hơn; hạ tầng chiến lược phát triển đồng bộ hơn; sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế nhiều hơn; uy tín, vai trò, vị thế của Phú Quốc được tăng lên; đóng góp cho GDP, thu ngân sách, đời sống của nhân dân cao hơn; thời cơ, thuận lợi nhiều hơn nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít hơn, nhất là trong phát triển nhanh, bền vững, kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, tri thức, chia sẻ.
Về định hướng, mục tiêu phát triển thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tập trung phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Về thể chế phải có cái chung của cả nước nhưng phải có cái vượt trội vì Phú Quốc có những cái đặc thù thì phải có thể chế đặc thù, hạ tầng. Đặc biệt hạ tầng giáo dục, hạ tầng y tế giáo dục xã hội, giao thông, hạ tầng phát triển công nghiệp văn hóa thì phải khác biệt. Việc phát triển công nghiệp văn hóa phải có nền tảng, dựa trên tiềm năng khác biệt cơ hội nổi trội lợi thế cạnh tranh, dựa trên văn hóa bản sắc của chúng ta, kết hợp với hiện đại của thế giới".
Thủ tướng Phạm MInh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178 về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc. Ảnh: TTXVN
Trên cơ sở hội nghị, Chính phủ sẽ xây dựng một đề án, ban hành văn bản phù hợp để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, làm cơ sở để triển khai thực hiện phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững hơn.
Từ một hòn đảo hoang sơ, Phú Quốc hiện nay liên tục được vinh danh trên bản đồ du lịch thế giới, liên tục được các tổ chức, tạp chí du lịch uy tín bình chọn là "Điểm đến du lịch biển, đảo sang trọng hàng đầu thế giới", "Hòn đảo du lịch hàng đầu châu Á". Những thành quả đạt được của Phú Quốc sau 20 năm thực hiện Quyết định 178.
Năm 2023, doanh thu từ ngành du lịch tại Phú Quốc đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 49 lần so với 20 năm trước. Nếu như năm 2003, thu ngân sách của Phú Quốc thu không đủ chi thì đến năm 2023 mức thu là 7.744 tỷ đồng, gấp hơn 200 lần.
Một hạ tầng du lịch đồ sộ với hơn 700 cơ sở lưu trú đang hoạt động, số phòng 5 sao chiếm tới 50%. Các show diễn đặc sắc như trình diễn pháo hoa quốc tế hàng đêm ở Thị trấn Hoàng Hôn, show diễn công nghệ đa phương tiện Nụ hôn của Biển Cả, trình diễn nghệ thuật thể thao mạo hiểm Vòng Xoáy Tình Yêu hay show Rối Việt - Trẩy hội mùa xuân.
Chị Lera - Du khách Kazakhstan chia sẻ: "Đây là một màn trình diễn siêu thực mà tôi chưa từng được thấy. Da gà tôi nổi hết lên ở từng phân cảnh. Riêng phần pháo hoa ở cuối khiến cảm xúc vỡ oà. Thậm chí tôi đã khóc vì quá phấn khích".
"Trong 20 năm qua các hộ dân ở Phú Quốc cũng đã chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp sang hoạt động du lịch. Tôi muốn quay về cống hiến cho quê hương của mình, nhất là trong lĩnh vực du lịch như thế này. Như khu vực An Thới là địa điểm tôi lựa chọn", chị Trần Kim Huê - Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thông tin.
Cùng với các show diễn đặc sắc, Phú Quốc đã xuất hiện các công trình tầm cỡ quốc tế như cáp treo dài nhất thế giới, sân golf, hay công trình mang tính biểu tượng như Cầu Hôn.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết: "Quyết định 178 năm 2004, sau 20 năm có thể nói rằng kinh tế của Phú Quốc đã có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, đặt biệt là về du lịch và dịch vụ".
Vào cuối tuần vừa qua, Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và giải trí biển Hòn Thơm - Phú Quốc đã được Sun Group khởi công, với quy mô lên tới 50.000 tỷ đồng. Đây cũng là 1 trong các dự án trong điểm đầu tiên tại Phú Quốc được khởi công sau khi quy hoạch Phú Quốc tầm nhìn tới năm 2040 được thông qua tháng 2 năm nay.
Tổ hợp này quy mô 310 ha, gồm nhiều hạng mục như công viên nước, công viên chủ đề, sân khấu biểu diễn cá heo, nhạc nước, nhà hát, khu nghỉ dưỡng sinh thái. Đặc biệt, Hòn Thơm sẽ là điểm đến thứ 7 của thương hiệu nghỉ dưỡng Ritz Carlton Reserve đến từ Mỹ. Về quy hoạch tổng thể, Hòn Thơm đang được tư vấn quốc tế nghiên cứu "xanh hóa", hướng tới sự phát triển bền vững với hạ tầng xanh - thông minh, bằng việc đầu tư hệ thống giao thông thông minh, hệ thống cấp nước, xử lý chất thải, nước thải hiện đại, thân thiện với môi trường.
"Đó là một đầu tư cho dài hạn cho du lịch về văn hoá mong muốn quảng bá văn hoá địa phương qua những show diễn, sự kiện, như là công nghiệp văn hoá vậy, ngoài ra sắp tới chúng tôi cũng đưa những show diễn của thế giới về Phú Quốc bằng cách đấy chúng tôi tạo ra sự giao thoa về văn hoá một điểm đến hết sức độc đáo và đó là cách để đưa Việt Nam ra thế giới, và thế giới về Việt Nam", ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group nhận định.
Nhiều chuyên gia đánh giá, một số cơ chế, chính sách hiện đang áp dụng tại thành phố Phú Quốc chưa tạo được bước đột phá ở tầm cao hơn theo sự phát triển của Phú Quốc hiện nay.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: "Nên áp dụng Phú Quốc thành một đô thị biển đảo trực thuộc trung ương, nếu được như thế thì khả năng Phú Quốc tiến kịp Singapore là mục tiêu hoàn toàn có thể được. Nên trao cho Phú Quốc quy chế thí điểm hình mẫu phát triển vượt trội, chưa từng có ở Việt Nam, bảo đảm phát huy hết thế mạnh của Phú Quốc, giúp Phú Quốc trỗi dậy".
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nhận định: "Trú trọng việc nâng lên các giá trị của tài nguyên tự nhiên, giá trị của cảnh quan, tận dụng kinh nghiệm của quốc tế trong phát triển bền vững để xây dựng hòn đảo này thực sự là hòn đảo xanh, phát triển bên vững".
Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thông tin: "Chính sách miễn thị thực hiện nay cũng được áp dụng cho Phú Quốc 30 ngày, hướng tới chúng tôi cũng đề xuất kiến nghị tỉnh Kiên Giang, các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ nâng lên 90 ngày, thậm trí có thể 180 ngày để thu hút lượng khách quốc tế đến Phú Quốc nghỉ dưỡng được lâu hơn, nhiều hơn".
Chia sẻ với báo chí, đại diện thành phố Phú Quốc cũng cho biết: Khát vọng của Phú Quốc là vươn tầm như một hình mẫu, vượt qua các điểm đến du lịch phổ biến nổi tiếng khắp thế giới như Jeju, Phuket, Bali hay Maldives. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng chiếm hơn 2/3 diện tích đảo là lợi thế lớn để Phú Quốc cạnh tranh mạnh mẽ với các điểm đến khác trong khu vực. Các loại hình giải trí cao cấp cũng sẽ góp phần làm nổi bật sự khác biệt của Phú Quốc.
Trong hội nghị cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, Phú Quốc là khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt về cả kinh tế, chính trị, xã hội, du lịch, dịch vụ, giao thương, quốc phòng, an ninh của cả nước; phát triển Phú Quốc không phải là "nhiệm vụ riêng" của Phú Quốc, Kiên Giang, mà là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần cả nước vì Phú Quốc và Phú Quốc vì cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.45460143210404202-man-02-uas-cum-naogn-neirt-tahp-couq-uhp-et-hnik/et-hnik/nv.vtv