Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 số học sinh lớp 9 trên toàn tỉnh tăng 7.226 học sinh.
Cuộc đua căng thẳng
Việc tăng thí sinh sẽ tạo áp lực cho việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập do chỉ tiêu có hạn. Trong đó áp lực nhất là tại TP Vinh vì hiện nay trên địa bàn chỉ có ba trường công lập là Trường THPT Hà Huy Tập, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT Lê Viết Thuật.
Với tổng số 6.218 thí sinh dự thi lớp 10 trong năm nay, trong khi chỉ tiêu công lập chưa đến 2.500 học sinh, dự kiến tỉ lệ trúng tuyển vào lớp 10 công lập của học sinh TP Vinh năm nay chưa đến 50%. Nhiều phụ huynh, người dân TP Vinh đều mong muốn Nhà nước thành lập thêm một trường THPT công lập để giảm gánh nặng về học phí, chi phí học tập so với trường ngoài công lập.
Chị Nguyên Hạnh - ngụ phường Hưng Dũng, TP Vinh, có con đang học lớp 9 - cho hay cuộc đua vào lớp 10 còn căng thẳng hơn cả vào đại học. Với hy vọng có "tấm vé" vào trường công lập, mỗi ngày lịch học trên lớp cộng với lịch học thêm dày đặc khiến thời gian nghỉ ngơi của con chị không còn.
"Nếu cháu không đủ điểm vào trường công mà phải học một trường ngoài công lập, mức học phí cao hơn trường công lập, điều này thực sự là khó khăn với gia đình khi có ba con đang tuổi ăn học", chị Hạnh nói.
Ông Thái Văn Thành - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An - cho hay việc mở thêm trường THPT công lập trên địa bàn TP Vinh hiện nay là không thể triển khai do quy định của trung ương về tinh gọn bộ máy, biên chế và giảm đơn vị sự nghiệp công lập.
Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã đề xuất mở phân hiệu 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đặt tại xã Nghi Ân, TP Vinh. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là bố trí kinh phí, ngân sách xây dựng trường.
Ngoài ra, sau khi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu sẽ chuyển sang cơ sở mới, dành cơ sở vật chất hiện tại cho Trường THPT Đặng Thai Mai và trường này sẽ chuyển thành trường liên cấp, góp phần giảm áp lực tuyển sinh đầu vào cho cấp THPT của TP Vinh.
"Năm học này, chúng tôi sẽ tham mưu tăng chỉ tiêu tuyển sinh của ba trường công lập trên địa bàn TP Vinh, dự kiến mỗi trường ba lớp, với chỉ tiêu tăng thêm khoảng 500 học sinh", ông Thành nói.
Nhiều giải pháp khắc phục
Trong nhiều năm gần đây, hệ thống trường công lập ở cấp THPT của Hà Nội chỉ có thể tiếp nhận trên dưới 60% số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10. Theo đó năm học 2024-2025, Hà Nội cũng chỉ có thể tiếp nhận khoảng 81.000 học sinh vào lớp 10 công lập. Có khoảng 54.000 học sinh sẽ phải học trường THPT tư thục, học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề trên địa bàn.
Mỗi năm Hà Nội đều bổ sung xây mới trường, lớp học, nhiều quận huyện đã tận dụng tối đa diện tích để đảm bảo đủ chỗ học. Nhưng cứ mỗi năm, số học sinh tuyển sinh đầu cấp lại tăng lên đáng kể.
Năm học 2023-2024, Hà Nội đã phải bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập để tuyển trên 78.000 học sinh trong số trên 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tương ứng với 60,9%. Con số này tăng so với năm học trước đó khoảng 1.000 học sinh.
Trong bối cảnh cơ sở vật chất trường học đã tận dụng tối đa, việc tiếp tục tăng số lượng học sinh của năm nay khiến cho khó khăn càng thêm khó khăn. Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh có ba nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 và 2 phải trong cùng một khu vực tuyển sinh, tương ứng với nơi học sinh đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc có địa chỉ lưu trú.
Việc phân luồng này đảm bảo mỗi khu vực tuyển sinh sẽ có các trường tốp trên, tốp giữa và tốp dưới (tạm phân khúc theo mức điểm chuẩn tuyển sinh hằng năm).
Tuy nhiên, có những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, sự chuyển dịch của dân số rất lớn khiến cho số trường THPT công lập càng quá tải. Điển hình như các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân…
Theo dự đoán, tới năm học 2026-2027, số học sinh tốt nghiệp THCS có thể tăng thêm khoảng trên 20.000 so với năm học 2023-2024. Trong khi trong khoảng 3 năm tới, mỗi năm Hà Nội chỉ có thể xây mới trên dưới 10 trường.
Với tình hình này, việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập vẫn là cuộc đấu khốc liệt không chỉ của học sinh mà của cả các phụ huynh.
Học sinh TP.HCM "rớt" lớp 10 công lập vì nhiều lý do
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm học 2023-2024, TP.HCM dự kiến có khoảng 116.296 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 trường THPT công lập không vượt quá 70% số học sinh tốt nghiệp THCS. Như vậy, hơn 30.000 học sinh sẽ không có chỗ học trong trường công lập.
Cũng theo sở, việc trúng tuyển vào lớp 10 công lập không chỉ phụ thuộc vào lực học của học sinh mà còn phụ thuộc vào việc đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 phải có sự tương đồng giữa năng lực học tập và điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10. Ví dụ học sinh có học lực khá mà đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT tốp đầu thì khả năng đậu không cao. Do đó, sở lưu ý các phụ huynh và học sinh cần cân nhắc khi chọn nguyện vọng.
"Hằng năm, TP.HCM đều có một số học sinh khá giỏi nhưng rớt cả ba nguyện vọng vì đăng ký vào trường THPT có điểm chuẩn cao hơn lực học của mình. Có em đi luyện thi rất nhiều nơi với mong muốn cải thiện điểm số, đăng ký vào trường THPT có điểm chuẩn cao cũng vì lý do này" - một cán bộ sở cho biết.
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 mới được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm học tới vẫn tuyển 100 chỉ tiêu lớp 10 song bằng tú tài.