Nằm giữa sa mạc khô cằn của Iraq, thành cổ Erbil sừng sững như một ốc đảo chứa đựng hàng nghìn năm lịch sử của loài người. Du khách đến đây như được quay ngược thời gian, trở về với quá khứ xa xăm, được theo dõi dấu chân của các nền văn minh cổ đại, đi qua những con phố nơi nhiều thế hệ đã sống, yêu thương và xây dựng cộng đồng của họ.
Thành cổ Erbil, tọa lạc ở trung tâm Erbil trong vùng Kurdistan của Iraq là minh chứng cho lịch sử định cư lâu dài của con người. Phần lớn lịch sử Erbil vẫn chưa được biết rõ, nhưng có nhiều di tích cho thấy cổ thành này đã tồn tại từ năm 5000 trước Công nguyên.
Thành cổ Erbil nằm trên đỉnh một gò đất cao 25 - 32 mét. Trải qua nhiều thiên niên kỷ, mỗi thế hệ ở đây đều xây dựng các công trình kiến trúc mới bên trên công trình của thế hệ trước. Với bề dày lịch sử, nó đã chứng kiến sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế, của nhiều thế hệ và sự phát triển của nhiều nền văn minh khác nhau, bao gồm người Assyria, người Ba Tư, người Hy Lạp, người Parthia, người La Mã và người Hồi giáo.
Thành cổ Erbil không chỉ đơn thuần là một địa điểm khảo cổ được ghi lại trong sách lịch sử mà vẫn là một minh chứng rõ nét cho sức sống kiên trì, mãnh liệt của con người. Hình ảnh các tòa nhà, những con hẻm chật hẹp và những con đường quanh co khắp nơi tạo nên một khung cảnh cổ kính, mang đậm dấu ấn thời gian.
Ở trung tâm của Thành cổ là Great Ziggurat, một công trình kiến trúc linh thiêng từng được dành riêng để thờ phụng một vị thần Lưỡng Hà, mặc dù nguồn gốc chính xác của nó vẫn còn là điều bí ẩn. Ziggurat, được xây dựng bằng gạch bùn, nổi lên một cách hùng vĩ so với cảnh quan xung quanh, minh chứng cho năng lực kiến trúc tài tình của những người xây dựng cổ xưa.
Liền kề với Ziggurat, khu phức hợp đền thờ của Thành cổ, có niên đại từ thế kỷ 23 trước Công nguyên, lưu giữ những tàn tích của các hoạt động tôn giáo cổ xưa. Cách bố trí và hiện vật của khu phức hợp mang đến cái nhìn thoáng qua về tín ngưỡng và nghi lễ tâm linh của các thế hệ từng sinh sống ở địa điểm này.
Bất chấp nhiều thế kỷ hỗn loạn và thay đổi, nơi đây vẫn tiếp tục là nơi sinh sống của một cộng đồng cư dân sôi động. Hiện nay, dân số ở đây khoảng 1,3 triệu người, chủ yếu là người Kurd.
Đi bộ qua những con phố hẹp sẽ giúp du khách khám phá những ngôi nhà truyền thống, khu chợ và địa danh văn hóa, tất cả đều góp phần tạo nên sự phong phú cho cuộc sống hàng ngày bên trong các bức tường của thành cổ này.
Nhận thức được ý nghĩa văn hóa và giá trị lịch sử của Thành cổ, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để bảo tồn và bảo vệ địa điểm độc đáo này. Thành cổ Erbil đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2014, nhận được sự công nhận quốc tế về tầm quan trọng của nó trong việc tìm hiểu lịch sử loài người và sự tiến hóa văn hóa.