Đối với tài xế 43 tuổi Toshiya Kajiyama, việc Chính phủ Nhật Bản hạn chế giờ làm thêm đối với tài xế xe tải là một vấn đề đáng lo ngại cho năm 2024.
Theo các nhà chức trách, cải cách đó vốn được đưa ra nhằm mục đích cải thiện điều kiện làm việc và khiến nó trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, điều luật mới của chính phủ cũng sẽ gây khó khăn cho người lái xe bởi hầu hết họ cần làm thêm giờ để trang trải cuộc sống. Cụ thể, nước này được cho là sẽ giới hạn số giờ làm thêm hàng năm của tài xế xe tải ở mức 960 giờ.
Một tài xế khác là Tomoyasu Matsuyama, 31 tuổi, người kiếm được khoảng 3.060 USD/tháng nhờ giao trái cây và rau quả, cho biết lương mỗi tháng có thể sẽ giảm 600 USD sau khi lệnh hạn chế làm thêm giờ có hiệu lực.
Và việc hạn chế giờ làm thêm - được cho là vấn đề của năm 2024 - rất khó giải quyết. 9/10 lượng hàng hóa vận chuyển của nền kinh tế thứ 4 thế giới đang phải dựa vào các công ty vận tải đường bộ.
Những người trong ngành kinh doanh và bán lẻ cũng lo lắng về giả thuyết cho cuộc khủng hoảng trong năm 2024 khi chính phủ giới hạn giờ làm thêm của tài xế. Bởi có thể, nó sẽ làm giảm 1/3 công suất vận chuyển hàng hóa vào năm 2030, trong khi số lượng tài xế sẽ giảm 35% so với năm 2015. Dữ liệu của chính phủ cũng cho thấy gần 1/5 người lái xe đang ở độ tuổi từ 60 trở lên, với ít hơn 1/10 người dưới 30 tuổi.
Điều đó đã khiến ngành công nghiệp và chính phủ phải tìm mọi cách để duy trì hoạt động của các nhà máy, bệnh viện và cửa hàng tiện lợi khắp nơi trong nước - phần lớn trong số đó hoạt động 24/7.
Theo báo cáo từ công ty dịch vụ đầu tư bất động sản toàn cầu CBRE, mối quan tâm hàng đầu trong năm 2024 của Nhật Bản - các giới hạn chặt chẽ hơn về thời gian làm thêm của tài xế xe tải - có thể khiến mạng lưới vận tải đường bộ nội địa suy yếu, do đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các công ty và cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng.
Chưa hết, vào cuối thập kỷ này, theo ước tính của chính phủ, việc 1/3 lượng hàng hóa của Nhật Bản không thể đến tay người nhận sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế 70 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2030. Ông Tasaka, nhà nghiên cứu logistics, cảnh báo rằng sự gián đoạn có thể gây ra “một kiểu suy thoái”.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu tài xế, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Nước này đã có sự bùng nổ hoạt động thương mại điện tử trong những năm gần đây - một phần nhờ việc mua sắm tại nhà trong đại dịch Covid-19. Amazon Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều, bao gồm khoản chi hơn 1,2 nghìn tỷ yên vào năm ngoái để mở rộng mạng lưới hậu cần và trung tâm dữ liệu của mình.
Chủ tịch công ty Yasunori Fujikura cho biết: “Trở lại những năm 1980… công ty vận tải của chúng tôi tràn ngập những người trẻ tuổi, tất cả đều rất năng động. Bây giờ, điều đó gần như không tồn tại”. Chỉ có 5 trong số 16 nhân viên lái xe của công ty ông ở độ tuổi 30 và 40. Số còn lại ở độ tuổi 50 và 60.
Dữ liệu của chính phủ cũng chỉ ra rằng tài xế làm việc cho các công ty vận tải đường bộ vừa và nhỏ được trả lương trung bình thấp hơn 12% so với công nhân công nghiệp nói chung vào năm 2021. Điều đó đã khiến ngành này phải phụ thuộc vào việc làm thêm giờ nhưng hiện tại Nhật Bản lại đưa ra chính sách hạn chế nó.
Ngoài tình trạng thiếu lao động, ngành vận tải đường bộ còn bị hạn chế bởi những tập quán “lỗi thời” - hình thành bởi những thói quen của nhiều nhà cung cấp và bán lẻ. Điều đó gây khó khăn cho việc cải thiện năng suất vận chuyển toàn ngành.
Bộ giao thông Nhật Bản vẫn tỏ ra khá kiên quyết với chính sách giới hạn làm thêm giờ - thứ vốn đã bị trì hoãn suốt 5 năm. Được biết, chính sách này được cho là sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2024.
Tham khảo Nikkei, Reuters