Để xác định đội tuyển quốc gia nên lựa chọn lối chơi nào cần có rất nhiều yếu tố. Trước hết là con người. Sau đó là truyền thống và tác động của giải vô địch quốc gia. Chúng ta thấy rằng các cầu thủ Việt Nam nhỏ con, khéo léo và kỹ thuật.
Đó là yếu tố cần của lối chơi kiểm soát bóng. Nhưng hạn chế là các cầu thủ Việt Nam thể lực không tốt. Họ không thể duy trì lối chơi pressing + kiểm soát bóng cả trận.
Chưa hết, tại V-League, rất ít đội chơi kiểm soát bóng kiểu HLV Philippe Troussier. Hầu hết đều đá bóng dài và dựa rất nhiều vào ngoại binh.
Từ những nền tảng không ủng hộ đó, lối chơi kiểm soát bóng thất bại ở tuyển Việt Nam là điều cực kỳ dễ hiểu. Nếu cứ cố gắng gò đội tuyển theo kiểu kiểm soát bóng mà phủ định các yếu tố nói trên thì hệ quả chính là những thất bại.
Thực tế dưới thời HLV Troussier, tuyển Việt Nam có thời điểm chơi kiểm soát bóng rất ấn tượng. Nhưng nhìn tổng quan, các cầu thủ không có lối ra tấn công và thường bế tắc khi tiếp cận khung thành đối thủ. Đoàn quân của HLV Trousier chuyền qua chuyền lại phần sân nhà và đối thủ không buồn vây ráp.
Quay lại thời kỳ của HLV Park Hang Seo, tuyển Việt Nam chơi phòng ngự phản công trông cực kỳ nguy hiểm. Nếu theo dõi bóng đá thường xuyên, ta có thể thấy phòng ngự phản công là phong cách cơ bản nhất trong các loại phong cách.
Nó dễ áp dụng và cũng rất dễ thành công. Bởi khai thác sơ hở của đối thủ dễ hơn là phá vỡ một hệ thống phòng ngự.
Đội bóng chỉ cần 1-2 cầu thủ có khả năng chuyển đổi trạng thái, 1-2 cầu thủ có tốc độ ở trên là đủ cơ sở để áp dụng lối đá này. Khi đối thủ dồn ép ta cũng là lúc họ dễ mắc sai lầm nhất.
Không chỉ tuyển Việt Nam, nhiều đội bóng trên thế giới cũng áp dụng chiến thuật phòng ngự phản công. Ngay cả khi Pháp vô địch World Cup 2018, họ cũng đá phòng ngự.
Về cơ bản, chơi phòng ngự sẽ khó ra dáng 1 đội bóng lớn. Tuy nhiên, điều đó sẽ không có giá trị bằng kết quả thi đấu trên sân.
Tuyển Thái Lan từng mơ ước hóa rồng sau thành công giai đoạn 2016-2018. Họ chơi thứ bóng đá tấn công sòng phẳng với các ông lớn và nhận về những kết quả tồi tệ. Hệ quả là HLV Kiatisak Senamuang phải rời đi. Sau đó là giai đoạn khó khăn của tuyển Thái Lan khi họ quyết tâm theo đuổi phong cách tấn công.
Nhưng từ khi HLV Masutada Ishii nắm quyền, Thái Lan đã quay trở lại với kiểu chơi phòng ngự phản công. Họ đã nhanh chóng gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Cầu thủ Thái Lan mà đá phản công thì không cần phải khen ngợi gì nữa.
Nói tóm lại, với thể trạng cầu thủ Việt Nam vẫn là nên chơi phòng ngự phản công. Nếu muốn thay đổi lối đá, chúng ta phải thay đổi cả hệ thống, trong đó có đào tạo trẻ. Chứ không thể nào thay đổi từ ngọn như HLV Troussier đã làm. CLB và các đội tuyển trẻ không đá tấn công nhưng tuyển quốc gia lại chơi tấn công là một nghịch lý.
Muốn đá kiểm soát bóng, bóng đá Việt Nam phải có mấy chục năm thay đổi.
Là những nền bóng đá phát triển hơn Việt Nam, các lò đào tạo bóng đá trẻ của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan hiện đại hơn nhiều so với Việt Nam? Chưa hẳn.