Theo thông tin mới được Công ty Cổ phần Sao Ta (HoSE: FMC) công bố, tháng 3/2024, công ty ghi nhận sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.000 tấn, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng tiêu thụ đạt 1.693 tấn, tăng 42%.
Sản xuất nông sản thành phẩm ghi nhận 112 tấn, giảm 53% so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ đạt 59 tấn, giảm 57%. Do đó, doanh số tháng 3 của Sao Ta đạt 19,17 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế quý I, Sao Ta đạt gần 49,7 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng.
Báo cáo nêu rõ, tháng 3 vừa qua, Sao Ta đã có thu hoạch tôm từ các trại tôm thả nuôi vụ nghịch từ cuối tháng 11/2023. Kết quả nuôi được công ty đánh giá khá khả quan.
Đồng thời, công ty cũng vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, lên kế hoạch sản lượng tôm chế biến 22.300 tấn, sản lượng nông sản chế biến 1.500 tấn. Mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.187 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế 320 tỷ đồng; tăng lần lượt 2% và 5% so với thực hiện năm ngoái.
Công ty cho rằng năm nay, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, một số nền kinh tế lớn có dấu hiệu phục hồi mặc dù chậm.
Sao Ta sẽ tập trung phát huy thế mạnh của mình là sản phẩm chế biến sâu, do có đủ điều kiện để tập trung chuyên môn hóa sản phẩm ở từng nhà máy nhằm giảm chi phí và tăng năng suất cùng đội ngũ công nhân lành nghề.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có diện tích vùng nuôi ASC lớn đủ đáp ứng nguồn cung cho các hệ thống lớn.
Doanh nghiệp nhận định khó khăn đã có chưa giảm nhiệt thì thêm khó khăn mới là vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ Mỹ, hệ lụy là vụ kiện chống bán phá giá cũng từ nguyên đơn này sẽ được hâm nóng, gây rủi ro cho các lô hàng bán vào thị trường này vì có thể bất ngờ bị áp thuế sau khi có mức thuế sơ bộ.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Sao Ta đề xuất mức chia cổ tức tiền mặt tỉ lệ 20% (2.000 đồng/cổ phần), tương ứng số tiền dự chi khoảng 131 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là ngay sau khi có Nghị quyết của ĐHĐCĐ thông qua.