vĐồng tin tức tài chính 365

Giải bài toán nhà ở xã hội "nằm trên giấy"

2024-04-03 03:11

Chủ đầu tư thiếu năng lực, chậm giải phóng mặt bằng là hai nguyên nhân được các chuyên gia đánh giá là chủ yếu dẫn đến việc hàng trăm dự án nhà ở xã hội chỉ nằm yên trên giấy, hoặc khởi công động thổ xong rồi để bỏ đất hoang. Để đạt mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, việc quan trọng nhất lúc này chính là các cơ quan chức năng từ Trung Ương đến địa phương phải làm sao để gỡ nốt các vướng mắc, thúc đẩy được những dự án này tái khởi động.

Giải bài toán nhà ở xã hội nằm trên giấy - Ảnh 1.

Quỹ đất nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu là quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại

Với một dự án, nguyên nhân đến nay chỉ còn là năng lực của chủ đầu tư. Không còn vướng mắc nào về thủ tục hành chính, thậm chí là đã bàn giao mặt bằng sạch, chỉ còn mỗi việc khởi công và xây dựng.

Ông Vũ Trọng Thư - Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội cho biết: "Từ lựa chọn chủ đầu tư cho đến giao đất là của Thành phố mà địa phương chỉ phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng. Khi lấy mặt bằng sạch rồi hàng ha đất để hoang cũng rất sốt ruột. Quận hay địa phương, phường không thể sử dụng mảnh đất đó bởi vì đã giải phóng mặt bằng và giao cho chủ đầu tư. Không triển khai được thì các đường kết nối hạ tầng của phường Thượng Thanh đến thời điểm này không thể thực hiện được, bà con đang sống rất khổ sở với tuyến đường thuộc dự án nhà ở xã hội này".

Hàng trăm dự án bỏ hoang không triển khai xây dựng trên cả nước. Nguyên nhân năng lực chủ đầu tư còn được nhìn từ góc độ tài chính, khi gói 120.000 tỷ cho vay ưu đãi tới thời điểm này mới giải ngân được hơn 500 tỷ là con số quá khiêm tốn, cho thấy gói vay chưa đủ sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận định: "Đối với gói 120.000 tỷ, chắc chắn các doanh nghiệp bất động sản, với mức lãi suất tương đối cao, tính hấp dẫn đối với họ chưa phải là mặn mà trong điều kiện bối cảnh hiện nay. Vấn đề thứ hai là quy trình thủ tục phải giải quyết nhanh hơn gọn hơn, đặc biệt liên quan đến câu chuyện về quỹ đất về giải phóng mặt bằng và quy hoạch".

Quỹ đất nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu là quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại. Sau khi hoàn thành, nhiều chủ đầu tư cũng không bàn giao lại cho địa phương. Ngược lại, cũng có nhiều địa phương không bố trí đủ quỹ đất 20% hoặc bố trí tại các vị trí không thuận lợi, khó giải phóng mặt bằng, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản và yêu cầu cụ thể trách nhiệm đối với kế hoạch sử dụng đất, cũng như kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đến các địa phương trong dài hạn.

Ông Hà Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản chia sẻ: "Các giải pháp, các yêu cầu, các trách nhiệm đối với UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung Ương, trong đó chúng tôi đề nghị trên cơ sở điều kiện cụ thể của địa phương phải rà soát, lập phê duyệt chiến lược phát triển và thực hiện đúng các mục tiêu chương trình phát triển nhà ở và kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong giai đoạn 5 năm 10 năm".

Các chuyên gia cũng cho rằng, để thực hiện được mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030, các địa phương phải rất quyết liệt trong việc đôn đốc thực hiện. Nếu chủ đầu tư không xây dựng thì Nhà nước phải kiên quyết thu lại quỹ đất này để lựa chọn nhà đầu tư mới hoặc đầu tư nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách để cho thuê. Các địa phương cũng cần chủ động tạo quỹ đất nhà ở xã hội độc lập do Nhà nước tự quy hoạch, tự giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư, tránh lệ thuộc hoàn toàn vào quỹ đất 20%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.42420639120404202-yaig-nert-man-ioh-ax-o-ahn-naot-iab-iaig/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giải bài toán nhà ở xã hội "nằm trên giấy"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools