Thông tin được ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) nêu tại phiên họp kinh tế - xã hội, chiều 2/4.
Theo ông, ba tháng đầu năm, sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại khu đạt 4,7 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ 2023. Ở đầu vào, SHTP nhập khẩu 3,8 tỷ USD.
"Như vậy quý I xuất siêu gần 600 triệu USD, cho thấy tình hình sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại TP HCM phục hồi tốt", ông Thi nhận định.
Quý đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của thành phố đạt trên 10 tỷ USD, trong đó sản phẩm công nghệ cao chiếm hơn 40%, tương đương 4,4 tỷ USD.
Đóng góp lớn vào xuất khẩu, nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Khu công nghệ cao mới đạt 2 triệu USD cho 4 dự án, tương đương 500.000 USD mỗi dự án. Ông Nguyễn Anh Thi đánh giá con số này "rất khiêm tốn về giá trị, nhưng chất lượng lớn, gắn với mục tiêu của khu".
Ví dụ, hai trong nhiều dự án mới tại đây là về kiểm định chip, hệ thống cảm biến - những lĩnh vực giúp nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam. Tuy nhiên, SHTP đưa ra kế hoạch thu hút khoảng 500 triệu USD năm nay.
Theo ông Thi, Nghị định về khu công nghệ cao có hiệu lực từ ngày 25/3, cùng Nghị quyết 98 cơ chế đặc thù cho TP HCM, giúp SHTP tự chủ trong cơ chế một cửa, cải thiện thủ tục và thuận lợi thu hút vốn FDI.
Số liệu của Cục Thống kê TP HCM cho thấy, giá trị công nghiệp của đầu tàu kinh tế ba tháng đầu năm đạt hơn 73.000 tỷ đồng, chiếm 18% GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng hơn 5% so với cùng kỳ.
Để cải thiện môi trường đầu tư, SHTP sẽ tăng gấp đôi cấp phép xây dựng dự án so với 2023, từ 5 lên 10 công trình. "Điều này sẽ tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư công, góp phần vào phát triển kinh tế thành phố", ông Thi nói.
Điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy sản xuất kinh doanh quý I so với quý cuối năm 2023 đã khởi sắc. Cụ thể, 17% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, trong khi 46,4% giữ ổn định và 36,6% nói khó khăn hơn. Dự báo tình hình quý II, 36% đánh giá tốt hơn, 40% giữ ổn định và 24% cho rằng khó khăn vẫn còn.
Viễn Thông