Chiều 2-4, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương quán triệt Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở và các nhiệm vụ công tác trọng tâm để triển khai thi hành. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số nhiệm vụ và vai trò quan trọng của Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo ông, việc bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong điều kiện hiện nay sẽ mang lại những tác động tích cực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ANTT.
Mặt khác, nhiều địa bàn cấp xã có diện tích rộng, số lượng dân cư lớn nên cần thiết sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT. “Qua đó mới có thể bao quát và bám sát hết địa bàn cơ sở, chủ động, kịp thời giải quyết ngay tại chỗ, ngay từ cơ sở các vụ, việc liên quan đến ANTT” – Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương phải thống nhất nhận thức, xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm hỗ trợ công an cấp xã thực hiện các nhiệm vụ; chủ động, kịp thời giải quyết ngay tại chỗ, ngay từ cơ sở các vụ việc liên quan đến ANTT ở cơ sở.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03) phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật này.
Cùng đó, V03 chủ động xây dựng Thông tư của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật để công an các địa phương làm căn cứ tham mưu ban hành nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND tỉnh, TP về tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ ANTT, cơ cấu tổ chức, chế độ chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Bộ trưởng Công an cũng yêu cầu Cục Trang bị và kho vận chủ trì xây dựng hướng dẫn về tiêu chuẩn định mức về phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ và quy định về quản lý, sử dụng tài sản công cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Phối hợp với Cục Kế hoạch và tài chính dự toán, tổng hợp kinh phí và đảm bảo trang bị theo nhiệm vụ chi của Bộ Công an cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
“Trước mắt, cần khẩn trương tham mưu, đề xuất phương án sản xuất phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng này ngay khi Luật có hiệu lực; phối hợp với địa phương chuẩn bị trang phục tại Lễ ra mắt Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở vào ngày 1-7-2024” – Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thi hành Luật. Đồng thời, sớm ban hành Nghị quyết của HĐND về tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ ANTT; chế độ chính sách và mức hỗ trợ thường xuyên cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT…
Theo báo cáo của Chính phủ ngày 6-10-2023, toàn quốc có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Các địa phương trong cả nước đang chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động cho các lực lượng này khoảng 3.570 tỉ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở mới).
Tính đến tháng 12-2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ ANTT thì cần có ít nhất 254.163 người tham gia (mỗi tổ cần ít nhất ba người). Mức chi tổng kinh phí cần khoảng 3.505 tỉ đồng/năm.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều.
Theo quy định, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Lực lượng này được bố trí theo mô hình Tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương.