Năm 2024, VCI đặt kế hoạch doanh thu 2.511 tỷ đồng và lãi trước thuế 700 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 23% so với thực hiện trong năm 2023. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở VN-Index quanh 1.300 điểm vào cuối năm 2024. Mức cổ tức sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định, dự kiến là 5% - 10%.
Với mảng Ngân hàng đầu tư (IB), Vietcap được thị trường biết đến là công ty chứng khoán hàng đầu trong lĩnh vực này. Theo ông Đinh Quang Hoàn, Phó tổng giám đốc Vietcap, năm 2023 là năm trầm lắng của hoạt động huy động vốn, theo đó các hoạt động IPO, huy động vốn hoặc M&A diễn ra chậm hơn so các năm trước đó. Chịu ảnh hưởng chung từ thị trường, trong năm 2023 mảng ngân hàng đầu tư của Vietcap hầu như chưa ghi nhận thương vụ nào đáng chú ý.
Tuy nhiên, Vietcap vẫn là đơn vị đi đầu trong mảng ngân hàng đầu tư tại Việt Nam và đang trong quá trình thực hiện một số thương vụ tư vấn. Doanh thu và lợi nhuận từ các thương vụ chưa hoàn thành này chưa được ghi nhận đầy đủ vào kết quả kinh doanh năm 2023.
Một trong các thương vụ tiêu biểu nhất của năm 2023 Vietcap đã tư vấn thành công là Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) chuyển nhượng kèm phát hành mới tổng cộng 12,56% cổ phần cho quỹ Growtheum Capital Partners đến từ Singapore.
Sắp tới, các hoạt động IPO dự báo sẽ chưa có nhiều chuyển biến tích cực khi kinh tế vẫn sẽ gặp nhiều thách thức trong năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đang có xu hướng giảm, định giá doanh nghiệp đã vào vùng hấp dẫn sẽ là một trong những yếu tố giúp cho thị trường vốn trong năm 2024 dự kiến sẽ khởi sắc hơn năm 2023. Với các dự án lớn đang triển khai cho khách hàng, mảng IB dự kiến sẽ đóng góp nhiều doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới.
Đối với mảng môi giới, năm 2024, Vietcap sẽ tiếp tục tập trung phát triển lĩnh vực môi giới bán lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, trong đó tập trung phát triển chất lượng dịch vụ phục vụ cho khách hàng nhiều hơn là chiến lược hạ giá phí.
Công ty tiếp tục đầu tư vào công nghệ bằng việc mở rộng số lượng nhân sự ở bộ phận phát triển sản phẩm, đổi mới sáng tạo, đầu tư vào hạ tầng công nghệ; đồng thời gia tăng việc đào tạo nhân viên môi giới, tăng các kênh phân phối.
Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, 10 nhà môi giới lớn nhất trên sàn HOSE năm 2023 đang chiếm 68,9% thị phần giá trị giao dịch toàn ngành trong năm 2023, tăng 2,1% so với năm 2022 (năm 2022 là 66,8%). Vietcap giữ vị trí thứ 8 trong thị phần môi giới trên HOSE với 4,47% thị phần.
Còn thị phần môi giới nước ngoài của Vietcap là 25% thị phần năm 2023. Đây là năm thứ 4 liên tiếp công ty giữ vững được thị phần môi giới nước ngoài đứng đầu trên thị trường chứng khoán.
Ông Hoàn cho biết, năm nay, nguồn thu ký quỹ sẽ đóng góp tương đối đáng kể.
Thị trường chứng khoán năm 2024 dự kiến sẽ có nhiều khởi sắc và lạc quan nhờ vào sự phục hồi của các doanh nghiệp, kết hợp với việc lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp và định giá doanh nghiệp đã rơi vào vùng hấp dẫn trong dài hạn.
Nội dung tờ trình được thị trường quan tâm trong ĐHCĐ 2024 lần này của Vietcap là 3 phương án tăng vốn từ 4.375 tỷ đồng lên gần 7.200 tỷ đồng:
Thứ nhất, phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP). Giá bán 12.000 đồng/cp, tương ứng thu về gần 53 tỷ đồng. Số cổ phiếu ESOP mới phát hành sẽ hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Tổng tiền thu được dự kiến được sử dụng để bổ sung vốn lưu động và giảm nợ vay.
Thứ hai, kế hoạch phát hành 132,57 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu sẽ nhận được về 3 cổ phiếu mới. Thời điểm phát hành sẽ diễn ra sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu ESOP. Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng.
Thứ ba, chào bán riêng lẻ gần 144 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024, sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động và phát hành cổ phiếu thưởng. Toàn bộ cổ phiếu chào bán riêng lẻ đều bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu là 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Ngoài ra, đại hội cũng xem xét miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hoàng Bảo, ông Trần Quyết Thắng và ông Lê Phạm Hoàng Phương. Trong đó, ông Bảo là chồng bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT Vietcap.
Đồng thời, Đại hội bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 gồm ông Đinh Quang Hoàn và ông Lê Ngọc Khánh.
Đại hội thảo luận:
Sự kiện Công ty Chứng khoán VNDirect bị tấn công đã cảnh báo nhiều công ty chứng khoán, vậy Vietcap có kế hoạch phòng ngừa như thế nào?
Ông Tô Hải: Về phía Vietcap, từ khi mới thành lập thì vấn đề an ninh mạng đã chú trọng, cách đây 4 năm, có tuyển một nhân sự có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này trên thị trường quốc tế về làm việc. Chúng tôi có kế hoạch backup, thời điểm hiện tại thì hệ thống của chúng ta ổn định, tăng cường bảo mật, kiểm soát hệ thống, nhưng an toàn tuyệt đối thì rất khó nói.
Trong đại hội năm ngoái, ban lãnh đạo nói kế hoạch khó hoàn thành 2023, còn năm nay?
Ông Tô Hải: Tôi xin lỗi cổ đông, trong lịch sử Công ty thì năm 2023 là lần thứ 2 không đạt kế hoạch, dù việc này cũng lường trước được, nhưng chúng tôi thiếu dũng cảm không điều chỉnh để sát thực tế hơn.
Năm nay kế hoạch 700 tỷ đồng trước thuế dựa trên kịch bản VN-Index 1.300 là khả thi. Cá nhân tôi lần đầu tiên có sự lạc quan hơn, dự báo VN-Index 1.400 - 1.500 điểm.
Lạc quan của tôi dựa trên 2 yếu tố (1) đầu tư công giải ngân mạnh, có thể lớn nhất lịch sử; (2) tiêu dùng sau tháng 6 khởi sắc, quan trọng nhất là lãi suất thấp, tiền chưa bao giờ nhiều như bây giờ.
Cuối năm ngoái tôi đã họp chiến lược bộ phận đầu tư hãy mạnh dạn hơn, mọi người chưa bao giờ tự tin như thế. Khả năng đạt được 700 tỷ thì tương đối dễ dàng, quý I này đã lãi 220 tỷ trước thuế.
Vietcap có đủ điều kiện đáp ứng dịch vụ prefunding cho nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Tô Hải: Vietcap chắc chắn sẽ đáp ứng điều kiện.
Chia sẻ về tiến trình phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược?
Ông Tô Hải: Tôi nhấn mạnh là nhà đầu tư chiến lược vòng đầu nếu thất bại mới tính chào bán nhà đầu tư tài chính. Hiện Vietcap đang đàm phán với 3 nhà đầu tư chiến lược, đang ở vòng làm việc giữa môi giới và môi giới, tư vấn và tư vấn. Dĩ nhiên, còn GAP (khoảng cách-PV) lớn giữa 2 bên về giá, nếu bán giá chiết khấu quá sâu thì cổ đông sẽ bị thiệt hại, nên vẫn đang đàm phán. Quý cổ đông yên tâm, vấn đề giá sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Bà Nguyễn Thanh Phượng: Các nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, việc phát hành này rất quan trọng nên cần phải làm việc kỹ lưỡng. Việc phát hành cho nhà đầu tư chiến lược thì chúng tôi không chắc 100% là làm trong năm nay, nhưng chúng tôi cũng muốn chia sẻ trước với cổ đông.
Các nhà đầu tư chiến lược sẽ cần có chung tầm nhìn, chung định hướng phát triển đưa Vietcap lên tầm cao mới.
Việc 3 thành viên HĐQT gắn bó Vietcap đã có đơn từ nhiệm, tại sao? Và tại sao chỉ đề cử bổ sung 2 thành viên?
Bà Phượng: Với số thành viên ứng cử là 2 theo quy định vẫn đảm bảo, hoạt động HĐQT không bị ảnh hưởng gì. Kể cả số lượng thành viên HĐQT hiện nay có thể linh hoạt, xin phép ĐHCĐ điều chỉnh bất cứ lúc nào khi có nhu cầu.
Hiện trong ứng cử viên, có ông Khánh thay thế một thành viên từ nhiệm là ông Phương. Có 2 thành viên từ nhiệm còn lại là ông Bảo vì lý do cá nhân, ông Thắng thì thời gian gắn bó cũng đã đủ lâu, còn ông Phương thì lý do cá nhân đi lại xa.
Theo cá nhân tôi, ông Khánh là một trong những người thuộc lứa doanh nhân trẻ xuất sắc của Việt Nam thời gian qua, là Giám đốc điều hành chuỗi cà phê Katinat phát triển rất nhanh hiện nay.
Ông Tô Hải trả lời các cổ đông tại Đại hội |
Vietcap có thể chia sẻ về giá bán cho nhà đầu tư chiến lược?
Ông Tô Hải: Phải đàm phán có giá cao, không thấp hơn nhiều giá hiện tại, thời gian sẽ không đơn giản vì giá trị gần 1 tỷ USD, bán 20% thì deal cũng 200 triệu USD, phải đàm phán “căng”. Chúng tôi đặt quyền lợi của cổ đông, nếu giá thấp thì HĐQT sẽ không để chuyện này xảy ra.
Danh mục deal của mảng IB năm nay?
Ông Đinh Quang Hoàn: Danh mục tư vấn năm nay khoảng 45.000 - 50.000 tỷ đồng. Hiện có 2 thương vụ khá lớn với tổng giá trị trên 10.000 tỷ đồng, hy vọng năm nay sẽ được 1 deal, lợi nhuận mang về khoảng 300 tỷ đồng.
Việc 3 thành viên HĐQT cùng từ nhiệm trước thềm ĐHCĐ, nhiều nhà đầu tư lo ngại nội bộ lục đục?
Bà Phượng: Công ty 17 năm qua HĐQT chưa bao giờ lục đục, lục đục cỡ nào tôi cũng xử lý được hết. Hiện HĐQT vẫn làm việc trên tình thần đoàn kết hợp gu với nhau.
Lãnh đạo công ty chia sẻ về tình hình kinh doanh quý I/2024, vì sao chuyển đổi tập trung nhà đầu tư cá nhân?
Ông Tô Hải: Năm ngoái Vietcap tụt thị phần, nằm ngoài top 5, chỉ vào top 8. Từ trước đến nay, Vietcap tập trung nhà đầu tư tổ chức, tuy nhiên, sau Covid, xu hướng thế giới và cả Việt Nam đã có thay đổi, dịch chuyển theo hướng tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn.
Trước Covid, các thị trường phát triển, nhà đầu tư tổ chức thường chiếm 80-90%, sau Covid thì khối này giảm xuống, trong khi nhà đầu tư cá nhân bùng lên mạnh mẽ, tăng tỷ trọng giao dịch từ 10% lên 30%.
Tại Việt Nam cũng tương tự, trước Covid, nhà đầu tư tổ chức khoảng 30%, cá nhân 70%; sau Covid, thì nhà đầu tư tổ chức dưới 10%, nhà đầu tư cá nhân tăng lên 90%.
Xu hướng này dự báo vẫn sẽ tiếp tục duy trì. Vì sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), nhà đầu tư cá nhân dễ tiếp cận thông tin cũng như ra quyết định dễ hơn.
Nhận thức được xu hướng này, 2 năm nay Vietcap xoay trục sang nhà đầu tư cá nhân. Hy vọng sẽ gia tăng thị phần cuối năm nay vào top 5 hoặc tiệm cận top 5. Năm 2025 sẽ quay lại Top 3.
Về dư nợ margin, hiện tại khoảng 9.800 tỷ đồng, so với các công ty chứng khoán lớn thì chưa là gì cả, nhưng so với năm ngoái cũng là độ mở nhất định. Vietcap huy động được vốn rẻ hơn, để mở rộng danh mục cho vay.
Công ty huy động nhiều vốn ngoại, có ảnh hưởng không khi tỷ giá tăng?
Ông Tô Hải: Chúng tôi là công ty chứng khoán nên việc phòng ngừa rủi ro (hedging) đều đưa lên hàng đầu, và đều có sử dụng công cụ hedging. Cho đến hiện tại, các khoản vay ngân hàng gần như vay nước ngoài hết, và báo cáo cổ đông là khoản vay này của Vietcap với lãi thấp hơn rất nhiều so với việc đi vay trong nước.
Công ty có tính đến việc zero fee (miễn phí môi giới - PV)?
Ông Tô Hải: Chúng ta phải xem năng lực cạnh tranh ở đâu. Các công ty chứng khoán nghĩ giảm phí để có thể tăng cho vay margin; hay xu thế các công ty chứng khoán Hàn Quốc, nước ngoài vào Việt Nam - họ có lãi suất thấp, còn chúng ta không có lợi thế này, dù zero fee mà lãi suất chúng ta cao hơn thì lợi nhuận đâu ra. Con đường zero fee đến giờ chúng tôi chưa nghĩ tới.
Hệ thống KRX bao giờ vận hành, IT Vietcap đảm bảo chưa?
Ông Hoàn: Ngày 13/3, các công ty chứng khoán đã chạy thử với HOSE và Công ty đã đáp ứng tất cả yêu cầu hệ thống. Hiện tại, các công ty chứng khoán cũng đáp ứng hết, thời gian dự kiến chưa biết khi nào được các bộ ngành chấp thuận, dự kiến trong năm nay. Khi vận hành hệ thống mới phải ngừng vài ngày, nên khi vận hành, Sở phải có thông báo sớm để chuẩn bị, từ 5-7 ngày cho việc chuyển đổi.
Trong giai đoạn đầu, HOSE chưa hướng tới T+0. Khi Sở muốn thực hiện T+0 thì phải xin phép, phải giai đoạn 2.
Vì sao hôm nay khối ngoại bán ròng cổ phiếu VCI?
Ông Tô Hải: Tôi cũng không biết tại sao, tôi không theo dõi giá cổ phiếu VCI, tôi ít mở bảng điện hàng ngày, tôi chỉ nhìn chỉ số VN-Index, nếu theo dõi giá cổ phiếu hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến quyết định ngắn hạn.