Ngày 2.4, ông Nguyễn Minh Chí, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết sở này vừa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện và các đơn vị liên quan xử lý các vấn đề về hoạt động của các công trình nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn.
Cụ thể, rà soát nhu cầu sử dụng nước tại các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả và ngừng hoạt động; đề xuất chủ trương cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoặc tự lồng ghép các nguồn kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp; kiện toàn lại các tổ chức quản lý vận hành đảm bảo khi công trình đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả. Cạnh đó, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình có quy mô liên thôn, liên xã; hạn chế việc đầu tư xây dựng các công trình có quy mô nhỏ.
Sở NN-PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư cần xác định rõ đơn vị quản lý vận hành công trình từ khi lập dự án; quá trình thực hiện dự án phải phối hợp đơn vị quản lý vận hành để tham gia ý kiến trong các vấn đề mang tính kỹ thuật.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng khai thác tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn đảm bảo việc vận hành cấp nước sạch thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong thời gian thực hiện việc rà soát, phân loại tài sản; thực hiện các thủ tục liên quan đến việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn.
Xem xét cho chủ trương xây dựng đề án "Đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh" theo đề nghị của Sở NN-PTNT.
52 công trình "đắp chiếu" có chủ đầu tư thuộc cấp huyện, cấp xã
Theo ông Nguyễn Minh Chí, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 215 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung cung cấp cho hơn 77.300 hộ, tổng mức đầu tư trên 758 tỉ đồng. Trong đó, có 87 công trình đầu tư chưa hoàn chỉnh chỉ phục vụ cấp nước tạm thời; 128 công trình được đầu tư hoàn chỉnh thì có 52 công trình tại 8 địa phương đã ngừng hoạt động.
Thống kê cho thấy, tất cả các công trình cấp nước ngưng hoạt động đều do UBND cấp huyện, cấp xã hoặc các ban chuyên môn của huyện làm chủ đầu tư. Sau khi công trình hoàn thành, được giao về cho cấp xã hoặc cộng đồng quản lý, vận hành.
Về nguyên nhân ngừng hoạt động của số lượng lớn công trình này, ông Chí cho rằng một số chủ đầu tư chưa nắm vững về chuyên môn ngành nước. Từ đó, dẫn đến một số bất cập, tồn tại khi lập dự án, gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành sau đầu tư như: thiết kế và xác định nguồn nước chưa phù hợp, bị thiếu nước vào mùa khô, nhiều công trình không có hoặc có hệ thống xử lý nước nhưng chưa đạt yêu cầu dẫn đến chất lượng nước chưa đảm bảo quy chuẩn.
Mặt khác, công tác thông tin, truyền thông trước khi đầu tư xây dựng công trình chưa được các chủ đầu tư chú ý, một số công trình chưa có sự tham gia của người dân vùng hưởng lợi, dẫn đến khi đưa vào vận hành người dân không sử dụng nước hoặc số người sử dụng rất hạn chế.
Đa số các công trình được đầu tư có quy mô nhỏ, dưới 100 hộ; đầu tư chưa hoàn chỉnh hoàn chỉnh, chủ yếu để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt khẩn cấp; thời gian đưa vào sử dụng đã lâu, trên 10 năm.
"Một nguyên nhân nữa là các công trình nước sạch sau khi hoàn thành được giao lại cho UBND xã hoặc các ban tự quản thôn, buôn quản lý vận hành, không có chuyên môn, nghiệp vụ để vận hành công trình, việc duy tu bảo dưỡng gần như không được thực hiện. Hơn nữa, kinh phí thu không đủ chi phí chi trả tiền điện nên đã bị cắt điện, hư hỏng xuống cấp nhưng không được sửa chữa kịp thời", ông Chí cho hay.