Phiên tòa của TAND TP.HCM xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) ngày thứ 19 (ngày 2.4), Viện KSND TP.HCM (Viện kiểm sát) và các luật sư, bị cáo tiếp tục tranh luận.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB) cho rằng, việc áp dụng nguyên tắc có lợi trong vụ án này không được Viện kiểm sát áp dụng nhất quán rõ ràng.
Theo luật sư, kết quả định giá là chưa chính xác khi 531 m2 ở đường Nguyễn Huệ, trung tâm Q.1 mà chỉ định giá 337 tỉ đồng. Từ đó, luật sư của cựu Phó tổng giám đốc SCB mong HĐXX xem xét 558 tài sản không định giá thì không thể xác định là bằng 0, cần xem xét lại để xác định đúng thiệt hại của vụ án.
Cáo trạng thể hiện bị cáo Trần Thị Mỹ Dung giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 200.690 tỉ đồng.
"Bị cáo bước ra khỏi ngân hàng thì tài sản vẫn còn nguyên"
Theo luật sư, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung rời khỏi vị trí Phó tổng giám đốc SCB ngày 15.8 và đến ngày 22.8 thì mới xảy ra việc hoán đổi tài sản. Vì vậy không thể ấn định trách nhiệm này cho bị cáo Dung bởi khi bị cáo bước ra khỏi ngân hàng thì tài sản vẫn còn nguyên nên phải loại trừ cho bị cáo khoản thiệt hại liên quan việc này.
Vì vậy, luật sư bào chữa cho bị cáo Dung đề nghị xem xét đánh giá lại thiệt hại của vụ án để giảm trừ thiệt hại đối với các bị cáo.
Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét lại tình tiết phạm tội có tổ chức, thủ đoạn tinh vi đối với các bị cáo trong vụ án.
Luật sư cũng đồng ý quan điểm của Viện kiểm sát là tội phạm hoàn thành từ thời điểm giải ngân, các thủ tục khác chỉ nhằm che giấu hành vi phạm tội. Vì vậy đề nghị xem xét lại vai trò của các bị cáo khi thực hiện các hành vi này để có một mức hình phạt tương xứng.
Theo luật sư đề nghị xem xét không buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm dân sự.
Cựu Phó chánh thanh tra nhận tiền để bỏ qua sai phạm
Tại phiên tòa xét xử ngày thứ 19, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đề nghị làm rõ dấu hiệu chủ mưu cầm đầu của bị cáo này.
Trong vụ án, bị cáo Hưng là 1 trong 2 người được cáo trạng xác định với vai trò chủ mưu cầm đầu, cùng với bị cáo Trương Mỹ Lan. Tranh luận lại với quan điểm của Viện kiểm sát, luật sư cho rằng bị cáo Hưng không chỉ đạo tổ thanh tra của NHNN làm trái pháp luật.
Luật sư của bị cáo Hưng đề nghị làm rõ nếu cho rằng bị cáo Hưng "tinh vi xảo quyệt thì thể hiện ở những điểm nào?".
Bị cáo Hưng thuộc nhóm 16 bị cáo là thanh tra giám sát NHNN tại SCB bị xét xử về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" khi nhận của bị cáo Trương Mỹ Lan từ 100 triệu đồng đến 390.000 USD. Theo đó, bị cáo Hưng bị đề nghị 14 - 15 năm tù.
Cáo trạng xác định, thời điểm giữ chức vụ Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, bị cáo Hưng là người ra quyết định thanh tra, có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra tại SCB; tiếp nhận các báo cáo từ Đoàn thanh tra và báo cáo lãnh đạo NHNN để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng đã nhiều lần nhận tổng số tiền 390.000 USD từ SCB thông qua Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) để bưng bít, che giấu sai phạm tại SCB.
Tại tòa, Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, khai không đưa sai phạm của SCB vào kết quả thanh tra do nhận được chỉ đạo từ bị cáo Hưng, tuy nhiên bị cáo Hưng phủ nhận việc chỉ đạo này.