Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, ông Hun Sen gửi làm cảm ơn các thượng nghị sĩ vì "vinh dự" này.
"Đây là lần đầu tiên tôi ngồi ở vai trò cao như vậy", ông Hun Sen nói.
Chủ tịch Thượng viện mới của Campuchia cho biết ông sẽ dùng vai trò có tính nghi lễ cao thứ hai, chỉ sau nhà vua Campuchia, để thúc đẩy ngoại giao.
Trong cuộc bầu cử hồi tháng 2, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) thắng 55/58 ghế ở Thượng viện, bao gồm 1 ghế của ông Hun Sen.
Ông Hun Sen cũng là chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia.
Thượng viện Campuchia có 62 ghế, trong đó có 58 ghế được bầu bởi 125 nghị sĩ và hơn 11.000 quan chức địa phương. 4 ghế còn lại do Quốc vương Norodom Sihamoni và Quốc hội Campuchia bổ nhiệm.
Theo nhà phân tích chính trị Campuchia Ou Virak, Thượng viện không phải là cơ quan chính trị hay lập pháp quyền lực ở Campuchia, nhưng nó giữ vai trò nghi lễ cao nhất và là biểu tượng chính trị của quốc gia.
Cũng theo ông Virak, vì Quốc vương Campuchia thường đi công du nước ngoài, nên việc ông Hun Sen trở thành chủ tịch Thượng viện là "rất quan trọng và mang tính biểu tượng cực kỳ lớn". Chủ tịch Thượng viện Campuchia giữ vai trò nguyên thủ quốc gia khi Quốc vương Campuchia ở nước ngoài.
Hồi tháng 8-2023, ông Hun Sen từ chức thủ tướng Campuchia sau 38 năm nắm quyền. Kế nhiệm ông là con trai cả Hun Manet.
Con trai út của ông Hun Sen là Hun Many cũng được bổ nhiệm làm phó thủ tướng Campuchia vào tháng 2.
Con trai thứ hai Hun Manith của ông Hun Sen cũng đang là lãnh đạo đơn vị tình báo quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Campuchia và là phó tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Với việc Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) thắng áp đảo cuộc bầu cử thượng viện, cựu thủ tướng Hun Sen gần như chắc chắn sẽ làm lãnh đạo cơ quan này.