Nếu biết cách khai thác, livestream (truyền phát video hoặc âm thanh trực tiếp qua mạng Internet) hoàn toàn có thể trở thành kênh bán hàng hiệu quả cho start-up.
Nghiên cứu của McKinsey’s E-commerce Global Initiative chỉ ra rằng, livestream bán hàng có tỷ lệ chuyển đổi cao gấp 10 lần so với thương mại điện tử thông thường. Tại Việt Nam, không khó để nhìn thấy những phiên livestream mang về doanh thu hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho các thương hiệu non trẻ.
Đơn cử, trong một phiên livestream hồi đầu tháng 10/2023 của thương hiệu mỹ phẩm nội địa M.O.I Cosmetics, 15.000 thỏi son phiên bản giới hạn đã được bán ra nhanh chóng, doanh thu đạt hơn 5,6 tỷ đồng.
Theo khảo sát “Bán hàng livestream ở Đông Nam Á” được Ninja Van công bố năm 2023, cứ 3 nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử ở Đông Nam Á, thì có 1 người livestream. So với các hình thức bán hàng truyền thống, livestream nổi bật bởi ưu điểm giúp doanh nghiệp tăng độ tương tác khách hàng với chi phí 0 đồng, tăng khả năng tiếp cận và hoàn toàn chủ động thời gian, không gian phát sóng.
Tuy nhiên, để một phiên livestream thật sự hiệu quả, chỉ có sản phẩm tốt và người dẫn chương trình có khả năng ăn nói thu hút là chưa đủ. Theo CEO Lê Hải Vũ, Nhà sáng lập thương hiệu Phụ kiện công nghệ Velasboost, trước khi thực hiện phiên livestream, doanh nghiệp cần lưu ý và có câu trả lời cặn kẽ cho những câu hỏi như: Người dẫn chương trình làm chủ buổi phát trực tiếp có thực sự thấu hiểu sản phẩm và có khả năng nói chuyện đủ lôi cuốn không, có kịch bản dẫn dắt và chuẩn bị tâm lý kỹ cho buổi livestream chưa? Bố cục sắp xếp phiên livestream thế nào? Cách trình bày sản phẩm đã rõ ràng, đầy đủ chưa? Buổi livestream đã chuẩn bị thiết bị, các chương trình khuyến mãi… cho khách hàng chưa?...
“Nếu ai đó nói với bạn rằng, livestream là hên xui, phân phối mắt xem ngẫu nhiên từ nền tảng và bạn tin vào điều đó, thì bạn sẽ không bao giờ vượt qua được mốc vài ba mắt xem đâu”, CEO Lê Hải Vũ chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của bản thân cũng như quan sát các nhà bán hàng khác, đại diện Velasboost nhấn mạnh, khi chuẩn bị bước vào các buổi livestream, doanh nghiệp cần chú ý các vấn đề kỹ thuật như phông nền, phụ kiện để thay đổi theo chiến dịch sale, mùa sale. Bên cạnh thiết bị chính để livestream, doanh nghiệp cũng cần thêm 1 thiết bị khác giúp theo dõi bình luận khách hàng.
Đặc biệt, kịch bản livestream chuyên nghiệp là phần không thể thiếu. Trong kịch bản, doanh nghiệp không nên chỉ tập trung chia sẻ thông tin về ưu điểm của sản phẩm, giá bán, chương trình khuyến mãi, miễn phí vận chuyển…, mà còn phải lường trước tất cả mọi trường hợp có thể xảy ra để lên sẵn phương án. Khâu chuẩn bị kịch bản càng kỹ lưỡng, phiên livestream càng thành công.
Ngoài ra, sau mỗi phiên livestream, các thương hiệu cần đo lường tính hiệu quả và xem lại những điểm cần khắc phục. Cách căn bản nhất là nhìn vào số lượng người xem phiên livestream, lượt bình luận, tương tác, lượng đơn hàng được chốt thành công, từ đó rút kinh nghiệm cho những phiên livestream sau này.