Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung nhiều quy định có lợi cho người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Những ai đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể nghỉ hưu sớm?
Đó là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước 1-1-2021 đã đóng 20 năm được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ.
Như vậy, những người này cũng về hưu sớm hơn 2-5 năm so với người tham gia sau ngày 1-1-2021 vì Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tăng tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể, người lao động trong điều kiện bình thường tăng từ 60 lên 62 tuổi với nam và từ 55 lên 60 tuổi với nữ. Từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng làm việc với nam, 4 tháng làm việc với nữ tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
So với quy định hiện hành, người lao động sẽ được lợi hơn khi không bị trừ tỉ lệ 2% do nghỉ hưu trước tuổi.
Vì từ năm 2018, tỉ lệ được hưởng lương hưu được điều chỉnh tối đa là 75%. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở nữ tăng từ 25 năm lên 30 năm và nam là từ 30 năm lên 35 năm. Trường hợp nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi đời theo quy định thì bị giảm trừ tỉ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi (trừ 2%/năm nghỉ hưu trước tuổi).
Gần 1,83 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo báo cáo đánh giá tác động, ban soạn thảo nêu rõ các quy định mới trong dự thảo nhằm bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của người dân, sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập thực tế, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời mở rộng quyền, lợi ích, hấp dẫn người tham gia bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hết năm 2023, tỉ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 39%, khoảng 18 triệu người trong đó số tham gia tự nguyện gần 1,83 triệu người.
Để hấp dẫn người tham gia, người tham gia bảo hiểm tự nguyện như hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng khác ở nhiều địa phương được hỗ trợ từ 10 - 30% mức đóng hằng tháng theo hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng trong từng thời kỳ do Thủ tướng quy định.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã quy định cụ thể hơn về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.