Trong hai ngày 31.3 và 1.4, Báo phản ánh Phòng khám (PK) nha khoa thẩm mỹ T.Đ (709 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) hoạt động trong giờ hành chính trái phép, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề và đối phó với đoàn kiểm tra. Mặc dù Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra từ ngày 20.3, nhưng sau khi đoàn về thì PK này vẫn hoạt động bình thường.
Chiều 1.4, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an và Phòng Y tế Q.Tân Bình tiếp tục kiểm tra đột xuất PK nói trên. Mặc dù thời điểm kiểm tra không có bệnh nhân nhưng hồ sơ, sổ sách lưu tại PK cho thấy có bệnh nhân ngày trước đó. Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản, tạm giữ giấy phép hoạt động của PK. Thanh tra Sở còn yêu cầu PK che biển hiệu. Thanh tra Sở tiếp tục xác lập hành vi vi phạm và xử lý.
Ngày 6.3.2020, Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động số 07977 cho PK chuyên khoa răng hàm mặt (RHM) thuộc Công ty TNHH nha khoa Triệu Nha tại địa chỉ 709 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình. Nhưng biển hiệu PK này ghi Nha khoa thẩm mỹ T.Đ. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của PK là bác sĩ (BS) P.T.H.D, công tác tại Bệnh viện (BV) RHM TP.HCM. Trên cổng tra cứu thông tin khám chữa bệnh của Sở Y tế TP.HCM, BS D. làm giờ hành chính tại BV RHM TP.HCM.
Tuy nhiên, lãnh đạo BV này xác nhận với PV Thanh Niên rằng BS P.T.H.D xin nghỉ không lương hơn 1 năm qua để dưỡng thai và mới sinh vài ngày. Đáng lưu ý, PK chuyên khoa RHM thuộc Công ty TNHH nha khoa Triệu Nha được cấp phép với thời gian hoạt động từ 17 giờ 30 - 20 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ bảy (ngoài giờ hành chính), còn chủ nhật từ 8 - 20 giờ. Nhưng thực tế, PK này làm cả trong và ngoài giờ hành chính, hoạt động công khai, quảng cáo rầm rộ trên mạng.
Cũng trong ngày 1.4, lãnh đạo Sở Y tế đã có chỉ đạo quyết liệt các phòng ban, đơn vị liên quan lập 10 đoàn để tổng kiểm tra PK nha khoa trên địa bàn TP.HCM. Hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 2.000 PK nha khoa.
"Tay ngang đứng ghế"
Nói về thực trạng các PK nha khoa ở TP.HCM hiện nay, một bạn đọc (BĐ) là BS RHM, có nickname rút gọn là vitB0, bức xúc: "Xin cảm ơn PV Báo Thanh Niên đã nói lên thực trạng ngành nha hiện nay. Trong ngành ai cũng biết nhiều PK nha khoa ở TP, nhất là vùng ven, không phải do BS làm, chủ yếu là điều dưỡng, kỹ thuật viên, thậm chí là tay ngang đứng ghế. Chỉ cần tra cứu chứng chỉ hành nghề trên trang của Sở Y tế là sẽ không tìm thấy thông tin những người tự xưng là "BS" này. Chúng tôi là những BS RHM chân chính, rất mong Sở Y tế vào cuộc để chấn chỉnh lại ngành nha của TP, vì để những người không có kiến thức chuyên môn làm bậy lên sức khỏe người dân là rất nguy hiểm. Một ví dụ thực tế là trào lưu làm răng sứ vô tội vạ để kiếm tiền, nếu bệnh nhân có quay lại bảo hành thì đa số những PK nha khoa kiểu này đều đóng cửa đi chỗ khác rồi".
Cùng làm ngành nha và cùng bức xúc, BĐ Huong Pham nói thêm: "Tôi làm trong ngành này nên biết những thông tin chia sẻ của PV quý báo ở trên rất chính xác, "ai cũng biết, chỉ vài người không biết". Cảm ơn quý báo rất nhiều. Đã đến lúc phải chấn chỉnh lại ngành nha nói chung, và đặc biệt là các PK nha khoa nói riêng".
"Bác sĩ 22 tuổi"
Nhiều BĐ yêu cầu ngành chức năng tổng kiểm tra các PK nha khoa ở TP.HCM để chấn chỉnh sai phạm, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người bệnh. BĐ Nguyendinhkien1978 kể: "Mình đi khám răng. Răng của mình chỉ bị sưng do viêm nhiễm, vậy mà bác sĩ kêu nhổ đi để trồng răng giả, rồi đưa ra bảng giá, kêu giá rẻ, hàng tốt, cứ như là đa cấp. Làm tiền hết chỗ nói".
BĐ Nguyễn Văn Thủy thì đề nghị: "Mong Bộ Y tế ra tay chấn chỉnh ngành nha khoa từ khâu cấp chứng chỉ hành nghề đến cho phép mở PK. Vì sao PK nha khoa tràn lan như hiện nay? Người tay ngang học việc cũng tham gia chữa, nhổ, trám, cấy ghép răng (?) nhiều năm vẫn "bình an"". BĐ Bảo Nguyễn cũng đặt câu hỏi: "Vậy lâu nay những PK nha khoa như thế này làm ăn tầm bậy trên sức khỏe người dân thì ai chịu trách nhiệm? Đề nghị Sở Y tế xử phạt thật nặng, tước chứng chỉ hành nghề của những BS cho thuê bằng, tiếp tay cho các "nha tặc" này".
Bình luận về chuyện một người 22 tuổi tự xưng là "BS", nói "đã có kinh nghiệm làm việc tại rất nhiều PK nha khoa khác nhau", BĐ Tuân "lật tẩy" ngay: "Làm gì có chuyện BS mà 22 tuổi? 18 tuổi vào ĐH (nếu học giỏi mới đậu năm đầu), học 6 năm ra trường là 24 tuổi, sau đó vào BV học 18 tháng mới ra làm phụ PK, sau đó tiếp 36 tháng nữa mới có chứng chỉ hành nghề. BS mà 22 tuổi là BS "dỏm" rồi".