Gần 24h nhưng màn hình điện thoại của Thu Hoài (24 tuổi), nhân viên marketing tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), vẫn sáng trưng cùng tiếng bàn phím tách tách liên hồi.
Hội những người cùng... chửi!
"Ê, ổng có bị sao không vậy? Cái gì cũng càm ràm, mệt mỏi ghê" - "chiến thần" trong nhóm Thu Hoài thả tin nhắn. Lập tức, nhiều nick khác nhảy vào, nhắn qua lại một hồi chuyển thành cười cợt tông giọng cao vút về chuyện tình dang dở của sếp. Và đi đến kết luận "sếp như má chồng khó tính dù chưa tới 40 mùa bánh chưng".
Với Thu Hoài, chuyện này cũng bình thường thôi! Ban đầu cũng ít tham gia mà sau thấy cuốn hút quá nên nhiệt tình hẳn. Đang làm việc hay buổi cà phê tối cùng bạn bè, cô bạn cũng mở xem hội có tin nhắn mới không.
"Khẩu nghiệp không được gì nhưng mà vui. Tụi này đổi tên nhóm kiểu vô thưởng vô phạt nên lỡ có ai ngó màn hình cũng đâu biết là nhóm bóc phốt" - Hoài nói.
Trường hợp khác, anh Vũ Thanh (27 tuổi) - nhân viên tập đoàn công nghệ tại quận 1 (TP.HCM) - gật đầu cái rụp khi được hỏi có tham gia hội nhóm phốt phiếc nào không. "Đi làm mà ai không có vấn đề này kia với đồng nghiệp, công ty nên kiểu gì cũng có nhóm bí mật để than vãn, xả stress và tìm kiếm sự đồng cảm" - anh Thanh cười.
Nhóm của anh chủ yếu tán gẫu chuyện cuộc sống, dĩ nhiên không thiếu chuyện công ty. Kiểu như không biết sếp gặp vụ gì mà nay gắt quá, làm nhiều mà không thấy thưởng, qua thức đến 1h sáng làm cho xong việc...
Anh Thanh nói nhóm không đả kích, đơm đặt, chỉ là nói về những đồng nghiệp xấu tính, ý thức kém như hay làm ồn, ăn đồ có mùi trong văn phòng, rồi vứt rác bừa bãi ảnh hưởng người xung quanh. Cũng có khi bàn chuyện đồng nghiệp nữ không hợp chuẩn mực công sở.
Đâu phải chuyện gì cũng xả
Anh Vũ Thanh cho rằng nhóm xả giận cũng có mặt tích cực. Như một lần một đồng nghiệp than đã chịu đựng mấy tháng nay người ngồi gần có mùi cơ thể mà chưa biết làm sao. Thế là mọi người cùng chia sẻ cách giải quyết, có bạn kêu nói riêng với phòng nhân sự, người khác nói đợi tới sinh nhật tặng chai khử mùi. Nói chung cả nhóm cân nhắc lắm vì chuyện tế nhị không khéo làm tổn thương người khác.
Mà chỉ lúc rảnh, xong việc mới xem và trả lời tin nhắn. Thanh cho biết lập nhóm chủ yếu để xả stress, bực dọc chứ không tạo thêm mệt mỏi cho mình. Thanh chưa phải tìm cách hạn chế chat chit, nhưng anh cũng bớt dùng mạng xã hội, không kiểm tra tin nhắn thường xuyên mỗi tối nên thấy khá nhẹ nhõm.
Thu Hoài thú thiệt mất khá nhiều thời gian vì tham gia nhiều nhóm khác, đủ chuyện sôi nổi cả ngày. Mới đây bị sếp góp ý vì một chiến lược nhạt nhòa, Hoài tự thấy do mình song đồng nghiệp trong nhóm hùa vào đổ cho sếp và khuyên cô "chiến đấu". Điều này khiến Hoài suy nghĩ có phải chăm chăm xả giận mà không nhận ra cái sai, quên luôn củng cố chuyên môn rồi sẽ ra sao!
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - giám đốc Công ty TNHH ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên - nói việc tạo nhóm nói xấu người khác nhằm giúp thỏa mãn nhu cầu được lắng nghe, được phản hồi và thuộc về tập thể "đồng minh". Không riêng gen Z, thế hệ nào cũng có hành vi này mà có khi càng nhiều tuổi và càng có kinh nghiệm, việc nói xấu có khi còn tinh vi hơn.
Tuy nhiên, với sự trưởng thành, người lớn tuổi sẽ chín chắn, kín đáo và biết điểm dừng. "Việc duy trì các hành vi tưởng chừng vô hại này sẽ khiến cá nhân cảm giác mình thắng sau lưng người khác, luôn tìm kiếm sự thỏa hiệp, đồng tình từ những người có tư tưởng tương tự. Về lâu dài, có khi tính cách, thái độ và nhân phẩm của các cá nhân này sẽ đi xuống" - anh Huân nói.
Nhóm đồng hương lạc quẻ
Làm chung tại một công ty truyền thông ở TP Thủ Đức, Kim Tuyến (21 tuổi) kể mình cùng nhiều đồng nghiệp cùng quê từng tạo nhóm hội đồng hương. Ban đầu chủ yếu tụ tập ăn uống, đi chơi nhưng được một thời gian đi chơi thì ít mà nói xấu đồng nghiệp cùng công ty thì nhiều.
Cho đến một ngày có bạn than thở mình bị sếp đì, cả nhóm hưởng ứng và tìm cách gỡ rối. Gỡ đâu không thấy mà nhiều người say máu chửi sếp lên bờ xuống ruộng dù chỉ chửi nội bộ. Chửi sếp chưa đã, bạn nào được sếp ưu ái cũng bị chửi luôn. Cô bạn than thở dù ra vẻ bực tức nhưng sau màn múa phím kịch tính hôm đó, gặp sếp vẫn vui vẻ ra mặt và còn hoàn thành tốt deadline được giao.
Tuyến cũng từng sử dụng "dịch vụ" xả giận trên nhóm khi bị trừ lương vì đi muộn. Biết là không oan song ấm ức vì số tiền hơn 600.000 đồng bị trừ, đoạn cao hứng có lúc còn kêu bỏ việc. "Nói vậy cho đỡ tức thôi chứ sao dám bỏ. Tụi mình nhắn qua lại chủ yếu xả stress chứ trong đó chửi ai thì chửi nhưng gặp họ bên ngoài vẫn rất lịch sự" - Tuyến phì cười.
Tạo thói quen tốt thay vì bóc phốt
Dưới góc độ tâm lý, kết quả làm việc của những người thích bóc phốt, nói xấu người khác thường lại không cao. Dễ hiểu khi suy nghĩ, tâm trí cứ mải miết tìm cách soi mói, phán xét đồng nghĩa với chiếm mất thời gian để sáng tạo, cống hiến thì lấy đâu thời gian nỗ lực đạt mục tiêu được giao.
Quy luật là suy nghĩ sẽ tạo hành động, lặp đi lặp lại hành động sẽ tạo thói quen, thói quen tạo tính cách và tính cách sẽ tạo nên số phận. "Bản thân những người hay nói xấu nếu không biết dừng lại đúng lúc, không biết cải thiện thì sẽ đối mặt với các khó khăn cả về sức khỏe tâm thần lẫn công việc" - thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân khuyến cáo.
Đã có những than phiền rằng gen Z có cái tôi lớn, khó hòa đồng. Nhưng phải thừa nhận thế hệ Z (sinh từ 1997 - 2012) đang ngày càng phủ sóng và tạo ra những ảnh hưởng, xu hướng nhất định trong xã hội.