Theo đó, cuối phiên xử hôm qua bị cáo Trương Mỹ Lan và Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) là hai bị cáo đầu tiên trong vụ án Vạn Thịnh Phát trình bày lời nói sau cùng.
Trong phần phát biểu của mình, bà Trương Mỹ Lan nói tin tưởng đây là phiên tòa khách quan công bằng.
Bà Lan xin xem xét mình không phải là người gây ra hậu quả của SCB như ngày hôm nay, không thể quy chụp 1 mình bà phải chịu trách nhiệm trong việc tái cơ cấu SCB không thành công.
Bà Lan xin ghi nhận thiện chí bà luôn cố gắng dùng toàn bộ tài sản còn lại để khắc phục hậu quả cho vụ án và xin xem xét lại tội tham ô tài sản và đưa hối lộ mà bà bị quy buộc.
Trước đó, trong phần tranh luận, một số luật sư đề nghị xem xét trách nhiệm của Ngân hàng SCB.
Về đề nghị trên, luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ quyền, lợi ích cho Ngân hàng SCB) cho rằng pháp nhân SCB là một tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
Hoạt động của SCB phải thông qua các tổ chức, thiết chế, cá nhân do SCB thành lập và bổ nhiệm.
Thực chất, hành vi vi phạm của 45/86 bị cáo trong vụ án dẫu nhân danh SCB nhưng lại không vì lợi ích của SCB mà trái lại, đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho SCB.
Đó là trách nhiệm trước pháp luật của từng cá nhân đối với hành vi vi phạm.
"SCB không có và không phải chịu trách nhiệm thay cho họ. Vì vậy, không thể đặt vấn đề "lỗi" và loại trách nhiệm nào của SCB trong trường hợp này. Vì chính SCB cũng được xác định là "bị hại" trong vụ án", luật sư Tâm nói.
Diễn giải thêm quan điểm của mình, luật sư Tâm nói: Nếu bàn đến trách nhiệm của SCB trong vụ án này thì chỉ có thể nói đó là trách nhiệm phải nhanh chóng thu hồi tài sản, khắc phục tối đa hậu quả của vụ án để thực hiện trách nhiệm rất lớn về tài sản là hoàn trả khoản nợ đặc biệt cho Nhà nước.
Cao hơn là đưa SCB ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, ổn định tổ chức, hoạt động; góp phần ổn định trật tự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, về an ninh tài chính, tiền tệ và tình hình kinh tế -xã hội của đất nước; củng cố và khôi phục lòng tin của nhân dân vào hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay.
Tuy nhiên việc 45 người của SCB phạm tội trong vụ án này là nỗi đau không thể bù đắp được, do đó SCB cũng đã có đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho họ.
Bà Trương Mỹ Lan nói sau khi vụ án tại SCB xảy ra, gia đình bà nhiều người bị đi tù, mỗi người mỗi ngả, không biết có còn cơ hội gặp lại nhau không, có được cùng nhau ăn chung bữa cơm nữa hay không...