Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin trước đó, TP.HCM hiện có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông. Trong đó 5 đội ở TP Thủ Đức, 2 đội quận 1, 1 đội quận 6, 10 đội quận 7, 2 đội quận 10, 11 đội quận 12, 12 đội quận Gò Vấp, 1 đội quận Bình Thạnh, 7 đội huyện Cần Giờ, 6 đội ở Củ Chi, 2 đội ở Hóc Môn.
Cần đầu mối chung để liên hệ
Đại diện một số phường tại TP.HCM cho biết người dân có thể phản ánh tình trạng chó thả rông và liên hệ hỗ trợ các đội bắt chó thả rông qua các nhóm tin nhắn của từng khu vực (trên Zalo, Facebook) hoặc liên hệ trực tiếp cán bộ chuyên trách từng xã phường.
Là nơi đầu tiên của quận Gò Vấp thành lập đội bắt chó thả rông, bà Phan Thị Hoàng Lan - chủ tịch phường 16 - cho biết thời gian qua, phường vẫn thường xuyên tiếp nhận phản ánh về tình trạng cho thả rông.
Người dân có thể thông tin đến phường bằng nhiều cách như liên hệ qua các nhóm tin nhắn của từng khu phố, hoặc gọi qua đường dây nóng của phường 0937705481.
Về việc có nên thống nhất một đầu mối để phản ánh chó thả rông như nhiều người dân mong muốn, bà Lan cho biết rất đồng tình. Hiện nay tại quận Gò Vấp, người dân có thể phản ánh qua cổng thông tin của quận (https://govap.hochiminhcity.gov.vn/) hoặc cổng thông tin 1022 do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chủ trì.
Tương tự, nhiều bạn đọc cũng cho rằng cần có một đầu mối chung để phản ánh, liên hệ với các đội bắt chó thả rông. "Cần có thêm đường dây nóng hoặc hướng dẫn rõ một đầu mối chung để người dân liên hệ. Các nơi chưa có đội chuyên trách thì cơ quan chức năng có thẩm quyền nên xem xét lập một ban điều hành chung để linh động tuần tra, điều động các địa phương lân cận hỗ trợ khi có nhu cầu", bạn đọc Thành Văn chia sẻ.
Xử lý nhanh trên cổng 1022
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 4-4, ông Võ Minh Thành - phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - cho biết theo quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên cổng thông tin 1022, nội dung tiếp nhận phản ánh về "chó thả rông" không tách mục truy cập riêng và thuộc nhóm trật tự.
Trường hợp sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về "chó thả rông" thông qua cổng 1022, trong thời gian 5 phút, tổng đài viên sẽ có trách nhiệm phân loại phản ánh theo lĩnh vực và chuyển đến với đơn vị xử lý, cụ thể vấn đề này thuộc trách nhiệm của UBND quận huyện.
Hiện tại, đối với các phản ánh về lĩnh vực thuộc kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trật tự có thời gian xử lý từ 2 giờ (sự cố nhỏ khắc phục ngay) cho đến không quá 5 ngày làm việc (đối với các sự cố lớn).
"Tiếp thu ý kiến người dân về việc thống nhất đầu mối liên hệ bắt chó thả rông, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thông tin đến tổng đài viên cổng 1022 và những người xử lý phản ánh kiến nghị tại quận huyện lưu ý tiếp nhận nội dung này. Từ đó có biện pháp xử lý nhanh phản ánh của người dân về nội dung chó thả rông", ông Thành cho hay.
Như vậy, hiện tại cổng 1022 dù không có mục riêng về nội dung chó thả rông nhưng người dân có thể phản ánh qua nhóm trật tự. Đây được xem là một đầu mối chung để phản ánh, liên hệ với các đội bắt chó thả rông để cơ quan địa phương liên hệ xử lý.
Người dân chủ động cập nhật hotline
Về thẩm quyền của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Thiết - phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM - cho biết theo các quy định, việc bắt chó thả rông không còn là nhiệm vụ của chi cục cũng như không thành lập đội bắt chó thả rông.
Việc trên thuộc trách nhiệm UBND phường, xã. Do vậy, người dân khi phát hiện chó thả rông khu vực nào thì liên hệ UBND phường, xã nơi ấy xử lý, bạn đọc có thể cập nhật số hotline của UBND địa phương để thuận lợi phản ảnh.
Nạn chó thả rông, không đeo rọ mõm "đại náo" khắp nơi từ Bắc ra Nam nhiều năm nay.