Theo trang Science Alert, không giống cách chúng ta la hét, cây cối phát ra tiếng "bốp" hoặc tiếng "tách" ở tần số siêu âm nằm ngoài phạm vi thính giác của con người. Âm thanh này sẽ tăng lên khi cây bị căng thẳng.
Cây cối cũng biết đau
"Ngay cả trong một khu vực yên tĩnh, thực sự có những âm thanh mà chúng ta không nghe thấy, mặc dù những âm thanh đó mang thông tin.
Có những động vật có thể nghe thấy những âm thanh này. Vì vậy, có khả năng rất nhiều tương tác âm thanh đang xảy ra", Lilach Hadany, nhà sinh vật tiến hóa học tại Đại học Tel Aviv ở Israel, nói.
"Thực vật luôn tương tác với côn trùng và các động vật khác. Nhiều sinh vật trong số này sử dụng âm thanh để giao tiếp. Vì vậy, nếu thực vật không sử dụng âm thanh sẽ không thuận lợi tối đa cho chúng", cô giải thích.
Thực vật bị căng thẳng cũng không thụ động như bạn nghĩ. Chúng trải qua một số thay đổi khá ấn tượng. Một trong những thay đổi dễ nhận biết nhất, hoặc ít nhất là đối với con người chúng ta, là giải phóng một số mùi hương khá mạnh mẽ.
Chúng cũng có thể thay đổi màu sắc và hình dạng. Những thay đổi này báo hiệu mối nguy hiểm cho các cây khác gần đó, và nhờ vậy các cây sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của mình, hoặc thu hút động vật đến để giúp cây đối phó với các loài sâu bọ gây hại.
Những phát hiện bất ngờ
Vài năm trước, Hadany và các đồng nghiệp của cô phát hiện thực vật có thể cảm nhận được âm thanh. Câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là liệu chúng có thể phát ra âm thanh được không.
Để tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã ghi âm lại cây cà chua và cây thuốc lá trong một số điều kiện. Đầu tiên, họ ghi âm những cây không bị căng thẳng để có được cơ sở so sánh. Sau đó, họ ghi âm những cây bị mất nước và cây bị cắt thân.
Những bản ghi âm này đầu tiên diễn ra trong buồng cách âm, sau đó là trong môi trường nhà kính bình thường. Sau đó, họ đào tạo một thuật toán học máy để phân biệt giữa âm thanh do thực vật không bị căng thẳng, thực vật bị cắt và thực vật mất nước tạo ra.
Kết quả, âm thanh mà thực vật phát ra giống như tiếng "bốp" hoặc tiếng "tách" ở tần số quá cao mà con người không thể nghe, có thể phát hiện trong bán kính hơn 1m. Cây không bị căng thẳng hoàn toàn không gây ra nhiều tiếng ồn. Chúng chỉ tận hưởng cuộc đời làm một cái cây của mình.
Ngược lại, thực vật bị căng thẳng lại ồn ào hơn nhiều. Chúng phát ra trung bình khoảng 40 tiếng "tách" mỗi giờ tùy thuộc vào loài.
Những cây thiếu nước có đặc điểm âm thanh đáng chú ý. Chúng bắt đầu kêu "tách" nhiều hơn trước khi có dấu hiệu mất nước rõ ràng, tăng dần khi cây ngày càng khô cằn, rồi lắng xuống khi cây khô héo.
Thuật toán có thể phân biệt giữa những âm thanh này cũng như loài thực vật phát ra chúng. Không chỉ có cây cà chua và cây thuốc lá mới tạo ra âm thanh. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều loài thực vật khác và nhận thấy việc tạo ra âm thanh dường như là hoạt động khá phổ biến.
Lúa mì, ngô, nho, xương rồng và cỏ dại ra hoa đều được ghi nhận gây ra tiếng ồn. Tuy nhiên vẫn còn một số điều mà các nhà nghiên cứu chưa biết. Họ không rõ âm thanh được tạo ra như thế nào.
Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết liệu cây có phát ra âm thanh hay không khi gặp các điều kiện gây đau khổ khác. Nhưng mầm bệnh, bị tấn công, tiếp xúc với tia cực tím, nhiệt độ khắc nghiệt cũng có thể khiến cây bắt đầu kêu lên như những miếng xốp bọt bị bóp vỡ.
Con người có thể làm gì cho cây?
Đối với con người, thông điệp của nghiên cứu này khá rõ ràng. Chúng ta có thể tưới tẩm cho những cái cây đang khát nước, để chúng ngừng kêu than và tình hình không tồi tệ đi.
"Bây giờ chúng ta đã biết thực vật phát ra âm thanh. Câu hỏi tiếp theo là ai có thể đang lắng nghe? - Hadany nói - Chúng tôi hiện đang nghiên cứu phản ứng của các sinh vật khác, cả động vật và thực vật, đối với những âm thanh này, và chúng tôi cũng đang khám phá khả năng của con người để xác định và giải thích âm thanh trong môi trường hoàn toàn tự nhiên".
Sau khi xác định loài thực vật có hoa mọc thành chùm dày đặc gần biên giới với Việt Nam là loài mới, các nhà nghiên cứu đã đề xuất đưa nó vào Sách Đỏ.