Barry Glassman, nhà lập kế hoạch tài chính, người sáng lập và chủ tịch của Công ty Glassman Wealth Services ở thị trấn Vienna (bang Virginia, Hoa Kỳ), kể lại câu chuyện bội chi của một cặp khách hàng. Họ đã bị sốc khi nhận ra mình chi tiêu đến 1,4 triệu USD (gần 35 tỉ đồng - PV) chỉ để mua đồ trang sức.
Ai cũng có thể chi tiêu quá tay
Một năm sau đó, từ cuộc gặp với Glassman, họ đã giảm khoản chi xuống còn khoảng 8.800 USD (khoảng 219,5 triệu đồng - PV), phần lớn để sửa chữa đồ trang sức.
Glassman, thành viên Hội đồng cố vấn tài chính của CNBC, nói: "Khi mọi người biết tiền của họ đi đâu, hành vi của họ sẽ thay đổi. Mức chi tiêu quá cao của một số khách hàng có thể nằm ngoài tầm với của hầu hết người tiêu dùng. Nhưng cám dỗ chi tiêu quá mức sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bất kể thu nhập của họ là bao nhiêu".
"Đây là lý do hầu hết những người trúng xổ số đều phá sản", Glassman phân tích. "Họ cảm thấy như mình đã thành công. Họ cảm thấy giàu có - anh nói - Nhưng họ không nhận ra sự khác biệt giữa giàu có và thu nhập".
Preston Cherry, người sáng lập và chủ tịch của công ty kế hoạch tài chính ở bang Wisconsin, lưu ý rằng không phải tất cả các khoản chi tiêu quá tay đều tiêu cực, đặc biệt nếu có chủ đích và phù hợp với mục tiêu của bạn.
Cherry, cũng là thành viên Hội đồng cố vấn tài chính của CNBC, cho rằng chúng ta không nên cảm thấy xấu hổ khi chi tiêu cho mục đích hạnh phúc, vì hiện tại hay tương lai của chính mình.
Nhưng Glassman, Cherry và các chuyên gia khác trong hội đồng nhấn mạnh có một số rủi ro nhất định sẽ gây tổn hại cho túi tiền của bạn và khiến khả năng đạt được các mục tiêu khác của bạn gặp thất bại.
Những thói quen tiết kiệm được tích lũy theo thời gian
Khi nói đến việc vung tiền vào những món hàng có giá trị lớn, Louis Barajas, giám đốc điều hành của Công ty International Private Wealth Advisors ở bang California, nói rằng ông thích cho khách hàng thấy một cách trực quan, rằng việc chi tiêu của họ có thể ảnh hưởng đến sự độc lập tài chính ra sao.
Còn Cathy Curtis, người sáng lập và giám đốc điều hành của Công ty Curtis Financial Planning, bang California, lưu ý rằng mỗi lần chi khoản tiền hay thế chấp quá lớn, ví dụ như mua nhà, sẽ khiến mọi người có bước lùi trong hành trình tiến tới độc lập tài chính.
Một gia đình mà Curtis từng hỗ trợ đã bỏ lỡ một vài căn nhà do đặt cọc quá thấp. Để khắc phục, họ nghe theo lời khuyên của người môi giới bất động sản để cọc rất cao cho ngôi nhà tiếp theo. Curtis nói số tiền của gia đình này giống như "đã bay thẳng ra ngoài cửa sổ".
Khoản thanh toán tiền nhà của gia đình, kết hợp với thuế tài sản và bảo hiểm, khiến họ có nguy cơ bị khủng hoảng tiền mặt. Họ "chạm đáy" khi người chồng mất việc, và rồi khiến người vợ phải tiêu hết tài sản thừa kế của mình.
Chấp nhận rủi ro như vậy đối với mua bất động sản là một canh bạc. Nhiều khách hàng tìm cách tăng lương để tăng khả năng chi trả, nhưng cách này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bà cũng khuyên những người mua nhà nên kiềm chế cảm xúc. Sẽ luôn có một ngôi nhà khác phù hợp hơn, tránh "xuống tay" vì cảm giác sợ bỏ lỡ.
Khi Glassman yêu cầu khách hàng phân tích chi tiêu, nhiều người bị sốc vì nhận ra thói quen ăn hàng ngày càng tăng lên. Điều tương tự có thể áp dụng cho các hạng mục khác, như quà tặng hoặc du lịch.
Glassman cho biết đánh giá mức chi tiêu hợp lý là nỗ lực xuyên suốt trong đời và thường là việc khó khăn khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, hình thành thói quen có những thay đổi nhỏ, chẳng hạn như ăn bên ngoài một lần mỗi tháng hoặc mỗi tuần, có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Không ít người trẻ đã tìm cách tháo lui khỏi thành phố, về quê tìm công việc mới. Những người chọn bám trụ ở lại tại nơi đắt đỏ nhất cả nước đang rất chật vật xoay trở, thắt lưng buộc bụng với đồng lương eo hẹp.