Ngày 5-4, ông Đoàn Hữu Dũng, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai, cho biết tỉnh này đang lấy ý kiến tỉnh Bình Định để hoàn chỉnh hồ sơ dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku phục vụ triển khai các bước tiếp theo.
Theo ông Dũng, hiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã thông qua và đồng ý chủ trương về phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công.
Trước đó, sau khi làm việc với Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bình Định hồi tháng 3-2024, các bên thống nhất giao tỉnh Gia Lai chủ trì rà soát kết quả nghiên cứu để đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tập trung rà soát điểm đầu, điểm cuối, phương án hướng tuyến, quy mô đầu tư, các vị trí nút giao và tổng mức đầu tư phù hợp. Trong trường hợp phương án này không khả thi sẽ đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Đến ngày 3-4, Sở Giao thông vận tải đã có báo cáo hoàn chỉnh và dự thảo văn bản lấy ý kiến tỉnh Bình Định về các nội dung nghiên cứu phương án đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Theo đó, sau khi tính toán, tuyến đường này có quy mô đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, bề rộng nền 24,75m, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục.
Để giảm tổng mức đầu tư, cơ quan này đề xuất không bố trí làn dừng khẩn cấp trên cầu và xác định lại điểm cuối tuyến tại TP Pleiku, ở điểm giao với đường HCM (QL14), để giảm chiều dài tuyến 8,1km. Phần này sẽ đưa vào dự án cao tốc Pleiku - Lệ Thanh giai đoạn sau 2030.
Theo phương án này, chiều dài toàn tuyến sẽ giảm còn 143,2km, trong đó đoạn qua Bình Định dài 57,6km, qua Gia Lai 85,6km. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 37.600 tỉ đồng, giảm 6.500 tỉ đồng so với mức đầu tư 44.200 tỉ đồng theo phương án trước.
Hiện tỉnh Gia Lai đang lấy ý kiến tỉnh Bình Định và chuẩn bị làm việc với các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ triển khai các bước tiếp theo.
Tuyến cao tốc là động lực phát triển vùng
Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ tháng 3-2024, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ và các bộ ngành ủng hộ sớm triển khai dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Theo ông Trương Hải Long - chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tuyến đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ tạo động lực phát triển thu hút dòng vốn đầu tư vào vùng Tây Nguyên. Ông Long đánh giá tuyến đường này không chỉ phục vụ riêng cho Gia Lai mà còn kéo theo cả vùng Bắc Tây Nguyên và khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia.
TP.HCM rà soát để bố trí vốn làm đoạn đường dẫn dài 1,7km lên cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.