Liên quan vấn đề này, bà V.T.T.T. - giám đốc một hệ thống siêu thị lớn tại miền Trung - cho biết đơn vị này đang nhập khoai lang từ Đà Lạt.
Bà T. cho hay nguồn nông sản Đà Lạt hiện có chất lượng tốt nhất cả nước, được nhiều hệ thống siêu thị lựa chọn đưa vào chuỗi cung ứng.
Siêu thị ký hợp đồng bao tiêu khoai lang
Theo bà T., với hàng nông sản, cụ thể là củ khoai lang, việc xác định nguồn gốc xuất xứ rất quan trọng bởi trồng tại mỗi địa phương giá sẽ khác nhau.
Về cách mua bán, siêu thị này cho biết thường ký hợp đồng bao tiêu đầu ra nông sản cho nông dân và trang trại từ trước mùa vụ.
Giá mua được cố định trước nên dù giá thị trường có biến động cũng không ảnh hưởng tới giá siêu thị.
Bà T. nói việc cam kết giá sẽ đảm bảo lợi ích cho đôi bên, người nông dân sẽ có lãi để tái tục đầu tư sản xuất dù giá thị trường có giảm thấp.
Ở chiều ngược lại, dù giá thị trường biến động tăng lên thì siêu thị vẫn giữ được giá bán ổn định tới tay người tiêu dùng.
Do đó, vị này khẳng định không phải cứ ngoài đồng nông sản bán rẻ thì siêu thị sẽ vào mua giá rẻ mang về bán. Ngoài ra, việc bán nông sản với giá rẻ buộc giá đầu vào phải rất rẻ, việc này sẽ vô tình ép giá người nông dân.
Bên cạnh đó, các chi phí vốn trong siêu thị cao hơn bên ngoài, phải cân nhắc giá bán có lời để trang trải chi phí mặt bằng, điện nước, nhân công, thuế suất. Bà T. tiết lộ không phải sản phẩm nào siêu thị bán cũng có lãi. Nhiều sản phẩm phải giảm giá sâu để thu hút khách hàng.
Đối với những loại nông sản rơi vào cảnh được mùa mất giá, hằng năm siêu thị này vẫn tổ chức những chương trình giải cứu 0 đồng để chia sẻ với nông dân. Trong trường hợp này, các quy trình mua bán, tiêu chuẩn áp dụng được rút gọn để đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ nông sản.
Không thể so giá siêu thị với giá khoai đổ đống trên vỉa hè
Trong khi đó, một siêu thị lớn tại Đà Nẵng nói không thể so sánh giá khoai lang trong siêu thị với giá khoai các xe tải bán đổ đống ngoài vỉa hè.
Ông P.T. - giám đốc siêu thị này - nói để được lên kệ, khoai lang phải đảm bảo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp sạch như VietGAP, Global GAP. Các siêu thị không mua nông sản tại ruộng như thương lái, mà ký hợp đồng cung ứng với một số nhà cung cấp đạt các tiêu chuẩn đưa ra.
Nông sản vào siêu thị phải đảm bảo đúng kích cỡ, đạt chuẩn. Với khoai lang, củ không quá to hoặc quá nhỏ, bởi củ nhỏ không đủ dinh dưỡng, còn củ to người tiêu dùng ít mua.
Ngoài các chi phí như thuế, điện nước, bao bì, quầy kệ, nhân sự, mặt bằng… với hàng nông sản vào siêu thị còn tốn thêm chi phí giám sát vùng trồng, chi phí lấy mẫu kiểm tra để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc trừ sâu…
Do đó, ông P.T. nhận định không thể so sánh giá nông sản trên kệ siêu thị và giá các xe tải đổ đống bán trên vỉa hè, bởi phương thức bán hàng này hầu như không cõng chi phí nào khác.
Được biết, giá bán mặt hàng khoai lang siêu thị này đang niêm yết thời điểm hiện tại là 25.000 đồng/kg.
Giá khoai lang Tây Nguyên chính vụ đang tụt dốc không phanh từ 10.000 đồng/kg còn 3.500 đồng/kg, nông dân ngậm ngùi bán dưới giá thành sản xuất, vì đâu nên nỗi?