Trường của em phải đóng cửa ngày hôm đó vì nhiệt độ cao, gần đây có lúc tăng lên 35 độ C. Em kể đi học vào những tháng hè (từ tháng 3-5) rất mệt, bởi lớp của em có 40 học sinh nhưng chỉ có 2 quạt điện.
Theo tờ The Straits Times, nắng nóng khắc nghiệt đã khiến Bộ Giáo dục Philippines cho phép các trường dạy học từ xa hoặc tạm đóng cửa.
Ngoài ra, nước này đang trong kế hoạch chuyển năm học trở lại từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau do giáo viên và học sinh phàn nàn về thời tiết mùa hè khắc nghiệt. Vào năm 2020, năm học ở Philippines bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 5 để đồng bộ với các quốc gia khác.
Không chỉ Philippines, hiện tượng El Nino đã mang đến thời tiết nóng hơn, khô hơn ở Đông Nam Á. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, dù đang suy yếu dần nhưng El Nino vẫn tiếp tục gây ra tình trạng nhiệt độ trên mức trung bình khắp thế giới.
Một số vùng tại Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar chịu đựng nhiệt độ lên tới 40 độ C trong tháng 3. Nhiệt độ từ 35 độ C trở lên cũng được ghi nhận ở Malaysia, Indonesia và Philippines vào tháng rồi, theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo khí hậu thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ.
Tại Singapore, một số trường học không buộc học sinh mặc đồng phục vào cuối tháng 3 vừa qua mà cho phép mặc đồ thể dục. Trong khi đó, nhà chức trách Thái Lan cho biết nhiệt độ có thể lên tới 43-44,5 độ C trong tháng này. Người dân được cảnh báo sẵn sàng đối mặt với nhiệt độ dự kiến cao hơn bình thường khoảng 30%.
Còn tại Malaysia, nhiều trường hợp gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến nhiệt độ cao đã được báo cáo trong 3 tháng đầu năm 2024. Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia và lực lượng vũ trang nước này đang xem xét làm mưa nhân tạo ở một số khu vực để hạ nhiệt. Nhà chức trách còn lên kế hoạch giám sát 650 điểm nóng trên toàn quốc để ngăn cháy rừng bùng phát thêm.
Thời tiết cực đoan cũng làm nhiều nông dân tại Đông Nam Á lo ngại nguy cơ thiếu nước sẽ kéo giảm năng suất. Nỗi lo thiếu gạo do khô hạn khiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi tháng 12-2023 ra lệnh cho quân đội hỗ trợ nông dân trồng lúa.
Ông Dave Sivaprasad, chuyên gia tại Công ty tư vấn Boston Consulting Group (Mỹ), nhận định diễn biến nói trên là lời nhắc nhở đối với chính phủ các nước Đông Nam Á rằng khu vực này vẫn cực kỳ dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Theo ông Sivaprasad, điều khu vực này cần làm là có các biện pháp thích ứng và tăng khả năng phục hồi.
Xem thêm: nhc.964748061604042881-a-man-gnod-tod-ueiht-gnon-gnan/nv.fefac