Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại điều 51 (tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và điều 52 (tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự) của Bộ luật Hình sự.
Đề xuất hướng dẫn nhiều tình tiết giảm nhẹ
Theo điều 51, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gồm người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; người phạm tội đã lập công chuộc tội…
Về tình tiết phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do tự mình gây ra, dự thảo nêu rõ là trường hợp không phải lợi dụng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phạm tội.
Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra và có thể do thiên tai, địch họa hoặc do nguyên nhân khác gây ra (có thể do người khác gây ra).
Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đầy đủ hai điều kiện "phải do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phạm tội" và "hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra".
Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào mức độ, hoàn cảnh khó khăn và khả năng khắc phục của người phạm tội.
Về tình tiết người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, theo dự thảo được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới...
Về tình tiết người phạm tội đã lập công chuộc tội, dự thảo nêu rõ là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến trước khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn, hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn tội phạm khác…
6 tình tiết có thể coi là tình tiết giảm nhẹ
Đáng chú ý, dự thảo quy định về 6 tình tiết khác có thể coi là tình tiết giảm nhẹ để tòa xem xét, quyết định nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
Bao gồm thiệt hại do lỗi của người thứ ba; người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản.
Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế được cấp có thẩm quyền xác nhận, nhưng vì lý do khách quan chưa kê khai đề nghị nên chưa có huân, huy chương.
Bị cáo có nhiều con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn hoặc bị cáo được khen thưởng của UBND cấp xã, cấp huyện, công ty, xí nghiệp tặng giấy khen.
Bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác.
Ví dụ bị cáo là người cháu được bà ngoại là mẹ Việt Nam anh hùng nuôi dưỡng từ nhỏ, là người thân duy nhất còn lại hoặc trường hợp bị cáo có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác...
Khi xét xử, tòa án có thể coi đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng phải ghi rõ trong bản án.
Dù bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo, luật sư vẫn đề nghị hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bà Hằng mức án dưới 3 năm để về đoàn tụ với gia đình.