Những tiệm bê thui Cầu Mống mở cửa ngóng khách
Xế trưa 6-4, tuyến quốc lộ 1 cũ dẫn qua xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn chạy song song với cây cầu mới đang thông xe trên quốc lộ 1 đoạn nối Duy Xuyên với Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) vắng vẻ.
Những dãy nhà hàng mọc san sát nhau, nhiều nhà cao 3-4 tầng từng một thời sầm uất, khách vào ra nườm nượp, xe nối đuôi nhau đưa khách vào ăn đặc sản xứ Quảng nhưng giờ đây vắng hoe.
Nguyên do là cầu Câu Lâu cũ - cây cầu trọng yếu huyết mạch đưa khách ra Bắc vào Nam một thời, cũng là cây cầu đã đi vào tiềm thức ký ức người Quảng Nam nối đôi bờ "dòng sông tơ lụa" Thu Bồn - nửa năm qua được cho tạm "nghỉ ngơi" để chờ sửa chữa.
Cầu Câu Lâu được làm từ những năm 1965. Tháng 10-2023, cầu được tạm ngưng lưu thông xe để chờ khởi công dự án đại tu, sửa chữa.
Cây cầu mới vốn hiện đại, kiên cố hơn cách khu dân cư cũ hiện đang gánh tải thay cầu Câu Lâu cũ. Nhưng cầu này nằm tách hẳn với các làng nghề nổi tiếng xứ Quảng, trong đó có phố bê thui Cầu Mống, làng mì Quảng Phú Chiêm…
Việc xe cộ bị cấm lưu thông đã khiến việc buôn bán trên các tuyến đường cũ qua xã Điện Phương ế ẩm.
Con đường ẩm thực thưởng thức bê thui Cầu Mống nằm ngay tại chân cầu Câu Lâu ở hướng phía bắc, từ trung tâm thị xã Điện Bàn đi vào bờ sông Thu Bồn đìu hiu nửa năm qua và chưa biết ngày nào vui trở lại.
Tìm kênh phân phối để giữ ấm thương hiệu bê thui Cầu Mống
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc ở Quảng Nam nói rằng từ khi cầu Câu Lâu chắn barie để cấm xe qua lại, lượng khách ghé vào khu phố ẩm thực bê thui Cầu Mống ở chân cầu Câu Lâu ước giảm 80%.
Các hàng quán phải cắt giảm lao động, tìm mọi cách để bán hàng ra bên ngoài do lượng khách vãng lai từ các nhà xe đường dài trên quốc lộ bị đứt.
Chủ quán bê thui Bảy Lép, bà Đỗ Thị Thái cho biết nửa năm qua việc kinh doanh buôn bán của quán rất khó khăn.
Khách quen trước đây không ghé quán nữa mà di chuyển theo tuyến quốc lộ mới, thỉnh thoảng có nhà xe nào đặt hàng thì bà chuẩn bị đồ trước rồi chạy ra đón ở hướng cầu mới để đưa cho khách. Nhưng việc này cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Kế đó, chủ quán bê thui Mười cũng nói cảnh khó khăn do câu cầu cũ bị ngưng để sửa chữa. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến một con phố ẩm thực rất nổi tiếng ở Quảng Nam mai một.
Nhiều chủ quán bê thui ở chân cầu Câu Lâu nói gần đây thay vì đợi khách cũ, các hàng quán bắt đầu lập kênh Facebook, lên mạng livestream để chốt đơn cho khách.
Việc này tuy khá khó khăn với người dân chưa có thói quen buôn bán trên mạng, mất chi phí khá lớn, phải thay đổi nhiều thứ, nhưng dù sao vẫn có hướng ra để giữ thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của vùng đất Quảng Nam.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam, dự án sửa chữa cầu Câu Lâu đã được thống nhất, các đơn vị đã cấm xe từ cuối năm 2023 để chuẩn bị các thủ tục.
Dự kiến trong năm 2024 này, việc sửa chữa cầu sẽ hoàn tất, các hạng mục trong phạm vi sửa chữa gồm cả phần thượng và hạ bộ.
Cây cầu huyền sử nối đôi dòng sông lụa Thu Bồn
Cầu Câu Lâu không chỉ là một địa điểm nổi tiếng trên bản đồ trong hành trình Bắc Nam mà đây là cây cầu gắn liền với các địa danh lịch sử, các làng nghề và trung tâm du lịch Quảng Nam như Hội An, Mỹ Sơn, làng tơ lụa Duy Xuyên, dinh trấn Thanh Chiêm…
Thay vì đập bỏ, việc tu sửa cầu được kỳ vọng sẽ giữ lại hình ảnh và biểu tượng về một cây cầu đi vào tiềm thức, thơ ca người Quảng Nam; tạo điểm nhấn kiến trúc nối đôi dòng sông Thu Bồn thơ mộng.
TTO - Vào Nam hay ra Bắc, nếu có dịp đi ngang vùng đất Quảng Nam bạn hãy ghé vào làng bê thui Cầu Mống để thưởng thức món đặc sản “lừng danh quốc lộ 1" này.