Ông Hoàng Văn Đại, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết như vậy khi thông tin với Tuổi Trẻ Online về tình hình xâm nhập mặn, hạn hán ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Khu vực Bến Tre và sông Cổ Chiên đã xâm nhập mặn sâu hơn năm 2016
Theo ông Đại, từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2023.
Trong tháng 2 và 3-2024, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
"Qua theo dõi diễn biến mức độ xâm nhập mặn cho thấy năm nay cao hơn trung bình nhiều năm.
Các đợt xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện từ ngày 8 đến 13-3 với ranh mặn 4‰, 1‰ xâm nhập vào sâu 40 - 66km, có nơi sâu hơn, như tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70 - 76km.
Đặc biệt tại khu vực Bến Tre và sông Cổ Chiên đã xâm nhập mặn sâu hơn năm 2016.
Đợt triều cường từ ngày 23 đến 28-3 đã đẩy mặn vào sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài ngày.
Bên cạnh đó các kênh rạch một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp tình trạng khô cạn.
Xâm nhập mặn năm 2024 này diễn ra sớm, giữa tháng 11 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng, đợt mặn từ ngày 8 đến 13-3 ranh mặn 4g/l vào sâu 40 - 50km, có nơi sâu hơn, tính đến thời điểm hiện tại đây là đợt có nồng độ mặn cao nhất năm 2024, ranh mặn 1g/l tại Tiền Giang có nơi xâm nhập sâu tới 70km", ông Đại nói.
Hơn 60.000 ha lúa và cây ăn trái có nguy cơ hạn hán, thiếu nước
Nhận định về diễn biến hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, ông Đại cho biết dự báo xâm nhập mặn tiếp tục ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2023.
Từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, khả năng xuất hiện từ 3 đợt xâm nhập mặn, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tập trung trong các thời kỳ từ 8 đến 13-4, từ 22 đến 28-4 và từ 7 đến 11-5.
Dự báo chiều sâu xâm nhập mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 70 - 95km, sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 50 - 62km, sông Hàm Luông từ 60 - 68km, sông Cổ Chiên từ 45 - 55km, sông Hậu từ 40 - 55km, sông Cái Lớn từ 45 - 55km.
Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tại xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 45 - 55km vào các ngày triều cường.
Tại huyện Long Phú hiện có 621ha lúa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đây là diện tích vụ đông xuân muộn (vụ 3) được sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống.
Cục Thủy lợi nhận định thời gian tới, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 20.510ha lúa và 43.300ha cây ăn trái có nguy cơ hạn hán, thiếu nước do xâm nhập mặn.
Mực nước sông Mekong thấp hơn từ 0,2 - 1,5m
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong tháng 1 và 2 năm nay, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 6%.
Trong tháng 3-2024, tổng lượng dòng chảy về hạ lưu thấp hơn khoảng 15 - 20%, nhưng lớn hơn so với năm 2016, 2020.
Hiện tại, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong phổ biến ở thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 - 1,5m.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng khô hạn tại miền Nam sẽ tiếp tục kéo dài. Hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt, khiến nhiều người dân đối diện với nguy cơ thiếu nước sử dụng.