vĐồng tin tức tài chính 365

Đừng mất tiền vì những cuộc gọi lừa đảo!

2024-04-08 13:16

Phần lớn nạn nhân là người cao tuổi

Ngày 07/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM đang điều tra vụ ông L. (SN 1962, ngụ TP.Thủ Đức) trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt 3,6 tỷ đồng. Trước đó, ông L. nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ 0947..., đối tượng tự xưng là "cán bộ Công an TP.Thủ Đức", thông báo có giấy triệu tập của TAND TP.Đà Nẵng đối với ông L. vì liên quan đến vụ án ma túy. Sau đó, đối tượng vờ nối máy cho ông L. nói chuyện với "cán bộ của Công an TP.Đà Nẵng". Kẻ này xưng là "cán bộ Công an TP.Đà Nẵng", bảo số tài khoản của ông L. liên quan đến một đường dây rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu ông phải làm theo hướng dẫn. Sau đó, người này mặc sắc phục công an gọi "video call" cho ông L., yêu cầu tải ứng dụng trên Google Play để theo dõi danh sách truy nã, lệnh bắt tạm giam. Ông L. lo sợ, làm theo.

Ngày 22/3/2024, ông L. được kết nối qua Zalo và làm việc với rất nhiều người mặc sắc phục công an tự xưng là "cán bộ Công an TP.Đà Nẵng". Thậm chí có người mặc sắc phục công an xưng là "cán bộ của Bộ Công an" để hướng dẫn, giúp đỡ ông L. giải oan. Trong ngày, ông L. đã tất toán 5 sổ tiết kiệm của mình và mẹ mình, với số tiền 3,6 tỷ đồng rồi chuyển đến tài khoản do các đối tượng cung cấp. Sau đó, ông L. phát hiện mình bị lừa nên đến cơ quan công an để trình báo vụ việc.

Theo Công an TPHCM, gần đây tình trạng các đối tượng mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án..., gọi điện đe dọa nạn nhân để chiếm đoạt tiền lại tiếp diễn, số người sập bẫy tiếp tục gia tăng. Phần lớn các đối tượng nhắm vào nạn nhân là người ít có điều kiện tiếp xúc với báo chí, thông tin trên mạng xã hội như người cao tuổi về hưu, nội trợ... Đây là những người dễ tin vào kẻ lạ mặt và ít có khả năng đề phòng. Mới đây nhất, bà L.T.K.E (ngụ H.Hóc Môn) nhận cuộc gọi từ đầu số lạ, đầu dây bên kia tự xưng là "thiếu úy Lê Văn Tám, đang công tác tại Công an TP.Đà Nẵng", cho biết bà E. liên quan đến đường dây rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu bà phải chuyển tiền để xác minh, làm rõ, nếu không liên can thì sẽ trả lại. Quá lo sợ nên bà E. đã chuyển gần 1,2 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của "Truong Hong Linh". Sau đó, bà E. phát hiện mình sập bẫy lừa nên đi trình báo.

Công an lấy lời khai đối với Trọng
Tội phạm lừa đảo qua không gian mạng ngày càng tinh vi

Công an không hướng dẫn đăng ký tài khoản VNeID qua điện thoại

Thời gian gần đây, nhiều trường hợp người dân nhận cuộc gọi của các đối tượng xưng là "cán bộ công an", vờ hướng dẫn cài đặt, đăng ký tài khoản trên ứng dụng VNeID để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khoảng 9 giờ 18 ngày 07/3/2024, bà L.K.Q nhận cuộc gọi từ số điện thoại 094788... của đối tượng xưng là "cán bộ Công an Phường 16 (Q4)", yêu cầu bà Q. đăng ký lại thông tin định danh điện tử mức 2 do tài khoản của bà chưa đăng ký được vì lỗi hệ thống. Để tạo lòng tin, đối tượng đọc tên, số CCCD và nơi cư trú của bà Q. rồi hướng dẫn bà thao tác đăng ký luôn cho tiện. Bà Q. đồng ý. Đối tượng bảo nếu thao tác trên ĐTDĐ iPhone sẽ bị lỗi hệ thống, nên sử dụng ĐTDĐ Samsung (hệ điều hành Android). Sau đó, đối tượng dùng tài khoản Zalo "Thanh Luân" kết bạn với bà Q., gọi qua "video call" hướng dẫn bà tìm kiếm trên Google link dichvucong.bvgov.com, tải về máy điện thoại.

Sau khi tải ứng dụng, bà Q. được hướng dẫn đăng nhập, lấy dấu vân tay... Lúc này, có người gọi điện đến thông báo dịch vụ phải đóng phí 12.000 đồng và hướng dẫn bà Q. đăng nhập app của MB Bank trên ĐTDĐ Samsung... Ngay khi thực hiện các bước tiếp theo, bà Q. nhận tin nhắn từ MB Bank đến điện thoại Samsung thì lập tức tài khoản MB Bank của bà bị trừ tiền 3 lần, tổng cộng gần 1,5 tỷ đồng.

Công an TPHCM cho biết, lực lượng Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân; không hướng dẫn kích hoạt qua gọi điện thoại hoặc tin nhắn. Các cuộc gọi, liên lạc qua ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... đều là giả mạo nhằm mục đích lừa đảo. Mọi thắc mắc về cài đặt tài khoản VNeID, người dân cần liên hệ với cảnh sát khu vực hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Tổng đài duy nhất hướng dẫn về VNeID của Bộ Công an là 1900.0368, đường dây nóng hướng dẫn VNeID của Công an TPHCM là 0693.187.111.

Cảnh giác khi nhận cuộc gọi của người lạ vờ giúp kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Tội phạm nước ngoài liên kết với người Việt lừa người Việt

Công an TPHCM cho biết, loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng chủ yếu là các đối tượng ở nước ngoài. Nhóm này liên kết hoặc thuê người Việt ở trong nước cùng thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, việc truy quét loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn.

Ngày 29/3/2024, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an TPHCM ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Đức Vương Trọng (SN 1991, ngụ Đắk Lắk), Nguyễn Tùng Dương (SN 1995, ngụ Thanh Hóa), Nguyễn Hữu Thắng (SN 2002, ngụ Hà Nội) vì "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, Phòng CSHS - Công an TPHCM nhận tin tố giác tội phạm của bà T.L.H (SN 1974, ngụ TP.Thủ Đức) về việc bị đối tượng mạo danh cán bộ công an hướng dẫn cập nhật dữ liệu dân cư do sai sót thông tin, lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng. Bà H. cho biết: Chiều 24/01/2024, bà nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ của đối tượng xưng là "cán bộ công an", đề nghị bà cập nhật dữ liệu dân cư do sai sót thông tin. Sau đó, đối tượng dùng tài khoản Zalo kết bạn với tài khoản của bà H., hướng dẫn bà truy cập vào một đường link giả mạo để cập nhật thông tin. Bà H. được đối tượng hướng dẫn thao tác tạo tài khoản, điền một số thông tin cá nhân (họ tên, số CCCD...). Khi đối tượng hỏi thêm một số thông tin liên quan các tài khoản ngân hàng, bà H. thấy nghi ngờ nên cúp máy. Nhưng ngay sau đó, các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng của bà H. bị rút tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

Dương tại cơ quan công an

Phòng CSHS - Công an TPHCM phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp điều tra. Qua đó, lực lượng chức năng xác định hơn 1,3 tỷ đồng của bà H. bị nhóm đối tượng lừa đảo ở Campuchia chiếm quyền quản lý, chuyển đến nhiều số tài khoản khác nhau. Riêng các tài khoản thẻ tín dụng của bà H. bị Trọng, Dương, Thắng sử dụng để thanh toán tiền mua hàng. Qua truy xét, công an đã bắt giữ cả 3 đối tượng này. Tại cơ quan điều tra, Trọng khai thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội, đã quen biết một số đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động tại Campuchia. Thông qua mạng xã hội, Trọng còn quen Dương và Thắng, thỏa thuận hợp tác với các đối tượng ở Campuchia lừa đảo để được chia hoa hồng.

Nhóm đối tượng (từ trái qua): Thắng, Dương và Trọng

Trưa 24/01/2024, các đối tượng ở Campuchia gửi cho Trọng thông tin thẻ tín dụng của bà H. mà các đối tượng này vừa chiếm đoạt. Nhóm Trọng đặt mua trực tuyến 6 ĐTDĐ với giá gần 200 triệu đồng rồi bán lại được 175 triệu đồng. Nhóm này chuyển 129 triệu đồng đến tài khoản của các đối tượng ở Campuchia, số còn lại chia nhau tiêu xài và mua thẻ game. Ngoài bà H., các đối tượng còn chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân khác. Cơ quan công an đang điều tra mở rộng vụ án.

Người dân dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại với cơ quan chức năng

Theo Công an TPHCM, để tránh sập bẫy lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội, người dân cần thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp của người lạ, phải dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại hoặc qua Zalo, Messenger... Mọi người cần cập nhật thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để nêu cao tinh thần cảnh giác, truyền đạt cho người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo để cùng nhau tránh mắc bẫy của loại tội phạm này.

Khi có cuộc gọi tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, người dân phải yêu cầu gửi giấy mời đến nhà hoặc giấy triệu tập đến cơ quan công an địa phương nơi mình cư trú. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn như: bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, không ấn vào những đường link giả mạo do người lạ gửi đến...; không cung cấp số tài khoản, mã OTP, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Lực lượng chức năng không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Vì vậy, người dân cần tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào (nếu đã chuyển thì phải báo ngay cho ngân hàng nơi mình mở tài khoản phong tỏa số tài khoản đã chuyển tiền), cần xác thực thông tin trước khi chuyển tiền... Khi nghi ngờ gặp kẻ lừa đảo, người dân phải báo cho người thân và cơ quan Công an gần nhất biết để xử lý tình huống kịp thời.

DUY NGỌC

Xem thêm: lmth.458061_oad-aul-iog-couc-gnuhn-iv-neit-tam-gnud/caig-hnac/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Đừng mất tiền vì những cuộc gọi lừa đảo!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools