Krishan Gopaul, nhà phân tích cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cho biết Trung Quốc đã bổ sung vàng vào kho dự trữ trong 17 tháng liên tiếp. "Điều này củng cố nhận định của chúng tôi rằng các ngân hàng trung ương vẫn tin tưởng vào vàng và tiếp tục nhìn thấy giá trị của nó", ông nói.
Dữ liệu do Trung Quốc công bố cho biết lượng vàng PBOC nắm giữ đến cuối tháng 3 đạt 72,74 triệu ounce (2.263 tấn), tăng so với 72,58 triệu ounce (2.257 tấn) hồi tháng 2. Giá trị vàng dự trữ tăng từ 48,64 tỷ USD lên 61,07 tỷ USD.
Năm 2023, PBOC cũng là khách hàng mua vàng chính thức lớn nhất khu vực, với lượng mua ròng là 7,23 triệu ounce (224,9 tấn), đánh dấu năm bổ sung vàng dự trữ nhiều nhất kể từ 1977. Trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương đã mua 1.037,4 tấn vàng năm ngoái. Đầu năm đến nay, cùng với Trung Quốc, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kazakhstan và một số nước Đông Âu cũng mua vàng.
Giá vàng giao ngay đã tăng 9,3% trong tháng 3, mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 7/2020, bất chấp USD mạnh và lãi suất thực của Mỹ tăng cao. Giá kim loại quý này vẫn tiếp tục leo thang, liên tiếp đạt kỷ lục trong 7 phiên giao dịch gần đây và có thời điểm chạm mức 2.353,79 USD mỗi ounce trong ngày 8/4.
Bart Melek, Trưởng phòng chiến lược hàng hóa tại TD Securitie nói giá vàng tăng nhờ thị trường kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 6 dù dữ liệu kinh tế nước này còn mạnh mẽ. "Việc các ngân hàng trung ương mua vào và các căng thẳng địa chính trị cũng là yếu tố hỗ trợ vàng", Melek bổ sung.
Bên cạnh vàng, chốt phiên 8/4, giá bạc giao ngay tăng 0,7% ở mức 27,68 USD, cao nhất trong gần ba năm. Trong khi bạch kim tăng 3,9% lên 963,19 USD và palladium tăng 4% lên mức 1.043,00 USD. "Toàn bộ lĩnh vực kim loại quý đang bắt đầu được hưởng lợi từ việc vàng hiện quá đắt", Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, nhận định.
Phiên An (theo Reuters)