Fanpage “Hỗ trợ mở thẻ tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần VietinBank” đăng ảnh chụp văn bản thông báo mở thẻ tín dụng miễn phí, trên đó có logo, dấu mộc đỏ của VietinBank. Theo văn bản này, khách chỉ cần cung cấp căn cước công dân là được cấp thẻ tín dụng với hạn mức từ 50-500 triệu đồng, lãi suất thấp, được rút tiền mặt 90% hạn mức từ thẻ mà không mất phí. Văn bản này còn trích dẫn các quyết định, công văn của Ngân hàng Nhà nước để tăng độ tin cậy.
Đoạn chat đối tượng Trần Nam Anh dụ chúng tôi cung cấp thông tin trên thẻ thanh toán |
Cũng với hình thức tương tự, fanpage “Hỗ trợ mở thẻ tín dụng Vietcombank 24/7” rao hỗ trợ mở thẻ tín dụng hạn mức từ 50 triệu đến 1 tỉ đồng. Khách đã có thẻ tín dụng vẫn được hỗ trợ nâng hạn mức gấp 2-3 lần hạn mức thẻ cũ. Văn bản thông báo này in logo và dấu mộc đỏ của Vietcombank, trích dẫn nhiều quyết định, công văn của Ngân hàng Nhà nước. Để không bị nghi ngờ, các trang này cam kết hỗ trợ mở tài khoản trực tiếp trên ứng dụng của ngân hàng, không qua các đường dẫn (link) lạ, có nhân viên đến tận nơi làm hồ sơ.
Liên hệ với trang “Hỗ trợ mở thẻ tín dụng Ngân hàng Thương mại cổ phần VietinBank” để mở thẻ tín dụng, chúng tôi được người xưng tên là Trần Nam Anh yêu cầu đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng mà chúng tôi đang có tài khoản để anh ta xem số lượng thẻ mà chúng tôi đang sở hữu. Để chúng tôi không nghi ngờ, Nam Anh chỉ yêu cầu cho xem thông tin mặt trước và mặt sau thẻ thanh toán (còn gọi là thẻ ghi nợ).
Theo phản ánh của một số bạn đọc, khi thực hiện theo những yêu cầu này, các đối tượng như Nam Anh sẽ nhanh chóng đánh cắp tiền trong tài khoản của người dùng.
Đối tượng lừa đảo giả mạo công văn, thông báo của ngân hàng để mời chào nâng hạn mức thẻ tín dụng nhưng sau đó lại khai thác thông tin tài khoản thanh toán của khách |
Chị Đ.K.P. (quận 9, TPHCM) cho biết vừa bị kẻ xấu rút mất tiền trong tài khoản thanh toán sau khi chị cung cấp thông tin thẻ này vì nghĩ rằng các thông tin in nổi trên thẻ không quan trọng: “Thấy mẩu rao hỗ trợ mở thẻ tín dụng, tôi đăng ký. Người của fanpage hỏi tôi đang sở hữu bao nhiêu tài khoản thanh toán, yêu cầu tôi cung cấp thông tin gồm dãy số thẻ, ngày đăng ký, số CVV phía sau thẻ, mã trong tin nhắn từ ngân hàng gửi về (mã OTP). Tôi vừa đọc xong, liền bị lấy mất 15 triệu đồng trong tài khoản” - chị P. kể.
Chị Minh Thư (quận 3, TPHCM) lại liên tục nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên Ngân hàng Quốc tế (VIB) mời chào nâng hạn mức thẻ tín dụng lên 150 triệu đồng cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn như hoàn tiền 5 - 7% khi thanh toán, rút tiền ATM miễn phí, miễn lãi 55 ngày, được cấp thẻ tín dụng phụ với hạn mức 30 triệu đồng, tặng một gói khám sức khỏe định kỳ 3 triệu đồng… Để chị Thư tin tưởng, người này gửi cho chị xem một văn bản có logo và dấu mộc đỏ của VIB (thực chất là hình ảnh đã chỉnh sửa). Biết chị Thư đang có khoản nợ thẻ tín dụng trước đó, người này yêu cầu chị trả bớt dư nợ thẻ để ngân hàng có cơ sở nâng hạn mức (thực chất là để thẻ còn tiền nhằm chiếm đoạt).
“Nhân viên này gửi cho tôi 1 đường dẫn, nói là website của VIB (có tên miền giống hệt website của VIB), yêu cầu tôi truy cập vào hệ thống để đăng ký nâng hạn mức. Do quên thẻ tín dụng của mình có tổng hạn mức là bao nhiêu nên tôi gọi lên tổng đài VIB để kiểm tra, sẵn tiện hỏi thông tin về chương trình nâng hạn mức thẻ. Nhân viên VIB cho biết, đó là chiêu trò lừa đảo, nếu tôi truy cập thông tin cá nhân vào đường dẫn trên, sẽ mất sạch tiền trong thẻ” - chị Thư kể.
Theo ông Huỳnh Trung Minh - Giám đốc khối ngân hàng, bảo hiểm của Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TPHCM (HDBank) - nhiều người nghĩ rằng thông tin trên thẻ thanh toán không quan trọng nên dễ dàng cung cấp cho người lạ mà không biết rằng có thể mất sạch tiền. Hiện nay, các tài khoản thanh toán đều được liên kết với các tổ chức quốc tế như Visa, Mastercard, JCB (trên thẻ vật lý đều in logo của các tổ chức này) để cho phép người dùng thanh toán online giống như thẻ tín dụng. Nếu có thông tin dãy số thẻ, dãy số bảo mật CVV, CVC, kẻ xấu sẽ yêu cầu khách cung cấp mã OTP với lý do đây là mã xác minh ngân hàng gửi đến để làm thủ tục cấp thẻ, nâng hạn mức dùng thẻ, sau đó chiếm đoạt tiền.
Gần đây, các ngân hàng VPBank, MB Bank, Agribank, VIB… đồng loạt gửi cảnh báo đến khách hàng về các hình thức lừa đảo liên quan đến thẻ tín dụng. Đại diện VIB cho biết, đang rộ hình thức gọi điện mời làm thẻ tín dụng, nâng hạn mức tín dụng.
Theo ông Huỳnh Trung Minh, hạn mức tín dụng được ngân hàng cấp dựa vào lịch sử tín dụng, thu nhập, tài sản đảm bảo của chủ thẻ khi đăng ký ban đầu. Nếu độ tín nhiệm, điểm tín dụng của khách càng cao (không có nợ xấu, thanh toán đúng hạn, sử dụng thẻ đúng mục đích thanh toán…) thì hạn mức thẻ tín dụng càng cao. Ngân hàng thường nâng hạn mức thẻ tín dụng thông qua yêu cầu của khách hàng hoặc sẽ xét duyệt tự động và nâng hạn mức tự động trên hệ thống. Cũng có một số ngân hàng thông báo cho khách khi hạn mức thẻ tín dụng thay đổi, nếu khách không đồng ý với việc tăng hạn mức thì chỉ cần liên hệ ngân hàng, yêu cầu giữ nguyên hạn mức cũ.
Theo ông, các nhân viên ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách cung cấp thông tin thẻ, mã OTP. Nếu có các yêu cầu này, khách nên nghi ngờ đó là lừa đảo và nên liên hệ với tổng đài của ngân hàng để kiểm tra.
Dễ bị lừa đảo khi đăng thông tin giao dịch lên mạng Sau khi đăng trên Facebook nội dung yêu cầu đối tác nhanh chóng thanh toán tiền hàng bởi tài khoản Vietcombank của mình chưa nhận đủ tiền, chị T.K.D. (thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận) liền nhận được cuộc gọi điện thoại của người tự xưng là nhân viên Vietcombank. Người này nói tài khoản của chị có 1 giao dịch đang bị lỗi, chủ tài khoản cần cung cấp thông tin in trên thẻ thanh toán để tra soát. Chị D. nghĩ những thông tin in nổi trên thẻ này không phải thông tin bí mật nên đã cung cấp. “Nhân viên Vietcombank” nói đã gửi mã xác nhận vào tin nhắn hệ thống Vietcombank, yêu cầu chị cung cấp mã này (thực chất là mã OTP xác nhận giao dịch thanh toán). Khi chị làm theo thì mất sạch hơn 14 triệu đồng trong tài khoản. Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - cảnh báo, người dùng mạng xã hội không nên chia sẻ nội dung các giao dịch ngân hàng lên mạng xã hội bởi sẽ dễ trở thành mục tiêu để các đối tượng xấu tiếp cận, thực hiện hành vi lừa đảo. |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.6865151a-eht-gnort-neit-yal-aul-gnah-nagn-hnad-oam-naod-uht-or/nv.moc.enilnounuhp.www