Phóng viên Tuổi Trẻ trở lại các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam - nơi dự kiến làm dự án hồ Ka Pét - thời điểm này chứng kiến nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi đã cạn nước trơ đáy.
Đất canh tác, trồng lúa bỏ hoang hóa, nông dân đang tận dụng những nguồn nước cuối cùng để tưới tiêu cho vườn thanh long. Theo con đường từ quốc lộ 1 lên các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần càng lên cao càng cảm nhận được cảnh khô khốc bởi hạn hán.
Sông Bà Bích - nơi dự kiến sẽ chặn dòng để tích nước cho dự án hồ chứa nước Ka Pét - đã cạn trơ đáy.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét - cho biết đặc trưng của vùng rừng này là 6 tháng nắng 6 tháng mưa rõ rệt.
Mùa mưa nước sông Bà Bích chảy xiết, cao gần 3m rồi tuôn hết xuống hạ lưu. Còn mùa nắng thì đáy sông trơ trọi, lỏm chỏm đá, khô hanh.
Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, từ cuối tháng 2 đến nay, nơi thiếu nước sản xuất tập trung ở 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Cần, Mỹ Thạnh.
Nếu sau ngày 30-5 vẫn chưa có mưa, tại xã Mỹ Thạnh sẽ thiếu nước sinh hoạt khoảng 278 hộ, tức toàn xã.
Riêng xã Hàm Cần nếu sau ngày 30-4 trời không mưa sẽ thiếu nước sinh hoạt khoảng 209 hộ nằm rải rác ở thôn xa khu cấp nước sinh hoạt.
Một số hình ảnh thiếu nước ở vùng dự án hồ Ka Pét:
Theo dự kiến tiến độ thực hiện dự án hồ Ka Pét của UBND tỉnh Bình Thuận thì rất khó bảo đảm hoàn thành dự án đúng thời hạn theo nghị quyết của Quốc hội.