Theo đó, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng 44,74% so với tháng trước, đạt 240.468 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch (theo danh nghĩa hợp đồng) tăng 48,89%, đạt 30.362 tỷ đồng/phiên. Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 18/03/2024 có khối lượng giao dịch lớn nhất đạt 357.676 hợp đồng.
Trước đó, trong tháng 2/2024, giảm dịch phái sinh giảm cả về khối lượng và giá trị. Cụ thể, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong tháng 2 có khối lượng giao dịch bình quân đạt 166.138 hợp đồng/phiên, giảm 11,56% so với tháng 1/2024, giá trị giao dịch (theo danh nghĩa hợp đồng) đạt 20.391 tỷ đồng/phiên, giảm 7,18%.
Về khối lượng hợp đồng mở (OI), tại ngày cuối tháng 3/2024, khối lượng OI đạt 49.583 hợp đồng, tăng 2,9% so với tháng trước. Ngày 26/03/2024 ghi nhận khối lượng OI cao nhất trong tháng, đạt 54.885 hợp đồng.
Sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP có giao dịch trở lại trong tháng 3, trong đó hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm có khối lượng giao dịch 1.200 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch 1.341 tỷ đồng; hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm có khối lượng giao dịch đạt 800 hợp đồng, tương ứng với giá trị giao dịch là 992 tỷ đồng. Khối lượng mở OI tại ngày cuối tháng là 0 hợp đồng.
Tính chung trong quý I/2024, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 200.692 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.529 tỷ đồng/phiên, giảm lần lượt 14,71% và 5,61% so với mức bình quân năm 2023.
Về cơ cấu nhà đầu tư, trong tháng 3/2024, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài giảm so với tháng trước, đạt tỷ trọng 2,64% giá trị giao dịch toàn thị trường, trong khi đó giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán là 2,17%. Đối với sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP, các giao dịch đều được thực hiện bởi các nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2024, số lượng tài khoản được mở tiếp tục tăng (3,16%) so với cuối tháng 2/2024, đạt 1.586.210 tài khoản.