Ngày 9-4, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà - trưởng Ban Chỉ đạo - tại phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Theo đó, tại phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo ngày 26-3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu; các ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong đó đánh giá toàn diện các yếu tố: công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải (hàng hóa và hành khách) của đường sắt trên trục Bắc - Nam (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt khổ 1.000mm hiện hữu), tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế… để lựa chọn kịch bản tối ưu.
Phương án triển khai phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn thiết kế, hạ tầng, tín hiệu, thiết bị, toa xe, đầu máy… Đối với các ga tại TP Hà Nội và TP.HCM cần bố trí ở trung tâm, kết hợp đi ngầm, trên cao… bảo đảm thuận tiện cho hành khách.
Về tốc độ thiết kế đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm rõ hơn dựa trên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác hành khách kết hợp hàng hóa của các nước trên thế giới như Bộ Giao thông vận tải báo cáo (làm rõ tiêu chuẩn, tổ chức khai thác vận tải, cách làm của từng nước); phân tích, chứng minh về hiệu quả kinh tế, tài chính đối với trường hợp chỉ vận tải hành khách, hoặc vận tải hành khách kết hợp vận tài hàng hóa.
Về chuyển giao công nghệ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất lập đề án riêng để phân tích, chọn đối tác chuyển giao công nghệ; lựa chọn tổ chức tiếp nhận công nghệ để làm chủ công nghệ (thành lập mới một tập đoàn nhà nước, giao doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân, đơn vị quân đội…).
Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam phù hợp, có thể kiến nghị đầu tư đồng thời, một lần để giảm thời gian, chi phí…
Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước) nghiên cứu, phản biện độc lập để lựa phương án tối ưu về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Đặt mục tiêu trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao trong năm 2024
Tại kết luận của Thường trực Chính phủ ở cuộc họp về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào tháng 2-2024, Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu nghiên cứu việc mở rộng phạm vi dự án thêm đoạn tuyến TP.HCM - Cần Thơ.
Về kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao, Thường trực Chính phủ giao bộ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án phù hợp nhất, từ đó lựa chọn một phương án tối ưu trình Bộ Chính trị.
Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3-2024. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Phương án được Bộ Giao thông vận tải đề xuất là làm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ thiết kế 350 km/h, vận tải hành khách và hàng hóa khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chỉ vận tải hàng hóa.