Theo Hãng tin Reuters, đây là biện pháp đáng kể đầu tiên của Ankara đối với Israel khi xung đột Israel - Hamas đã kéo dài 6 tháng.
Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ trong thông cáo nói các hạn chế xuất khẩu sẽ có hiệu lực ngay ngày 9-4.
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối hoạt động quân sự của Israel tại Dải Gaza, và kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Các hạn chế xuất khẩu được áp dụng lên các sản phẩm từ 54 mặt hàng khác nhau, bao gồm sắt, đá cẩm thạch, thép, xi măng, nhôm, gạch, phân bón, nhiên liệu hàng không...
"Quyết định này sẽ được giữ nguyên cho đến khi Israel, theo các nghĩa vụ trong luật pháp quốc tế, khẩn cấp tuyên bố một lệnh ngừng bắn ở Gaza và để dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza mà không có cản trở", Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng cho mối quan hệ thương mại của chính phủ ông với Israel.
Theo dữ liệu do Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) công bố, trong khi thương mại với Israel đã giảm kể từ ngày 7-10-2023 (ngày xung đột Israel - Hamas bùng nổ), xuất khẩu sang Israel cho đến nay vẫn tăng mỗi tháng trong năm 2024, và đạt trị giá 423,2 triệu USD trong tháng 3.
Trong động thái phản ứng, Ngoại trưởng Israel Israel Katz nói Thổ Nhĩ Kỳ đã "đơn phương vi phạm" các hiệp định thương mại, với quyết định hạn chế xuất khẩu sang Israel.
Theo đó, Israel sẽ đáp trả với các hạn chế thương mại của riêng nước này đối với các sản phẩm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Israel cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan "một lần nữa hy sinh lợi ích kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ Hamas, và chúng tôi sẽ có đáp trả tương xứng".
Pháp nêu khả năng áp lệnh trừng phạt lên Israel
Trả lời Đài RFI và Đài truyền hình France 24, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne ngày 9-4 cho biết cần phải có áp lực, và có thể là các biện pháp trừng phạt, áp đặt lên Israel để các cửa khẩu được mở cho hàng cứu trợ đến với người dân Palestine tại Gaza.
"Phải có đòn bẩy gây ảnh hưởng, hướng đến các biện pháp trừng phạt để đưa viện trợ nhân đạo qua các chốt kiểm tra", ông Sejourne nói.
"Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên đề xuất các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với những người Israel định cư có hành vi bạo lực ở Bờ Tây. Chúng tôi sẽ tiếp tục việc này nếu cần thiết để dòng viện trợ nhân đạo được mở", ông này nói thêm.
Lãnh đạo Pháp, Ai Cập và Jordan cảnh báo Israel về việc tấn công thành phố Rafah ở phía nam Gaza, kêu gọi ngừng bắn "ngay lập tức".