Sản lượng lúa vượt kế hoạch
Đến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 - 2024, với sản lượng ước hơn 2,55 triệu tấn, vượt 3,86% kế hoạch, đạt 58,13% so với kế hoạch năm lương thực 2024, năng suất bình quân 7,25 tấn/ha.
Theo đó, lúa vụ Mùa diện tích gieo trồng trên 72.415 ha, tỉ lệ gieo trồng giống lúa chất lượng cao 100% diện tích, với các giống trồng nhiều như: ST24, ST25, Đài Thơm 8, OM5451, RVT, VNR20, ST5... sản lượng hơn 400.400 tấn.
Bên cạnh đó, vụ Đông Xuân diện tích gieo trồng trên 280.385 ha, tỉ lệ gieo trồng giống lúa chất lượng cao chiếm 98,65% diện tích, với các giống trồng nhiều như: Đài Thơm 8, ĐS1, OM18, ST 24, OM5451, Jasmin85... sản lượng hơn 1,97 triệu tấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang ông Lê Hữu Toàn cho biết, thời điểm triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 - 2024, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư đầu vào, xăng dầu... phục vụ sản xuất ở mức cao.
Tuy nhiên, tình hình thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất lúa, dịch hại ít xảy ra và cùng với tỉnh chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về kỹ thuật, công trình và phi công trình để bảo vệ, sản xuất lúa an toàn, bền vững, hiệu quả.
Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh cơ bản thực hiện thắng lợi sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 - 2024, với tổng diện tích gieo trồng cả 2 vụ hơn 352.800ha, với lúa chất lượng cao chiếm 98,93% diện tích.
Điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng hạt giống cấp xác nhận, chất lượng cao để gieo trồng của nông dân ngày càng cao. Đây là thành quả trong công tác chỉ đạo và không ngừng tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật canh tác trong những năm qua của ngành nông nghiệp Kiên Giang.
Hạn chế còn tồn tại
Mặc dù vậy, sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 - 2024 của tỉnh Kiên Giang vẫn còn tồn tại hạn chế như: Các mô hình canh tác giảm chi phí thích ứng với biến đổi khí hậu chưa nhân rộng nhiều, tỉ lệ áp dụng còn thấp; việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SRP, hữu cơ, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm dù có khởi sắc so với các năm trước nhưng vẫn còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Đồng thời, việc sản xuất lúa theo chuỗi giá trị gia tăng còn hạn chế, hợp đồng, hợp tác liên kết tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp dễ đứt gãy do tác động của giá cả thị trường tăng, giảm, nhất là chưa khai thác, phát huy giá trị, tiềm năng của phụ phẩm trong sản xuất lúa gạo.
Sản xuất lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 - 2024, tỉnh tổ chức sản xuất 428 cánh đồng lớn, tổng diện tích hơn 66.000ha, giảm 289 cánh đồng và diện tích giảm hơn 16.550ha so cùng kỳ năm 2023.
Trong số này, có 281 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ với diện tích 50.877, trong đó, 27.087ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật.
Nguyên nhân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn giảm do giá lúa nguyên liệu tăng cao, các bên liên quan không thương lượng được giải pháp hiệu quả nên nông dân thu hoạch lúa bán tự do dẫn đến diện tích liên kết tiêu thụ giảm hơn so cùng kỳ năm 2023.
Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp sản xuất gắn liên kết tiêu thụ 20.596ha, gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An với các giống lúa chủ yếu: ĐS1, MO5451, OM18, Đài Thơm 8, ST25.
Để sản xuất thắng lợi lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2023 - 2024, tỉnh chỉ đạo các đơn vị thanh tra chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra hàng trăm cơ sở và cơ sở có dấu hiệu vi phạm.
Qua đó, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sai nhãn, chất lượng không phù hợp, không duy trì đầy đủ các “Điều kiện về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật”...
Ngoài ra, tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang chủ động vận hành sớm hệ thống cống ven biển Rạch Giá - Kiên Lương, ven sông Cái Bé, dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No, vùng U Minh Thượng; đồng thời, bảo trì, các công trình và đắp 27 đập tạm ở các khu vực chưa có công trình ngăn mặn.
Qua đó, kiểm soát tốt nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho đô thị, nông thôn. Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và các địa phương xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống cống phù hợp với tình hình thực tế, hiệu quả.