Nên quy định thẳng vào dự án luật
Hôm 8.4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tại hội thảo, đại tá Trần Thảo (Trường đại học Cảnh sát nhân dân) cho hay, cần bổ sung vào khoản 5 điều 64 quyền hạn của CSGT được khám xét người, khám phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông trong trường hợp cấp bách, cho phù hợp với quy định tại điều 127, 128 luật Xử lý vi phạm hành chính 2020.
Thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó trưởng công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm trên của đại tá Trần Thảo. "Nếu đối tượng nào manh động, vi phạm pháp luật thì CSGT cũng được sử dụng vũ lực", thượng tá Tiên bổ sung.
Không nên đưa vào luật để tránh lặp lại
Trao đổi với Báo Thanh Niên, TS Cao Vũ Minh, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết không tình với quan điểm trên. TS Minh cho rằng, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ nên tập trung quy định những nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT trong chỉ huy, điều khiển giao thông.
Những vấn đề liên quan đến việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính hay sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để trấn áp, vô hiệu hóa đối tượng chống đối đã được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành. Do đó, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không cần phải quy định lại những vấn đề này.
Cụ thể, tại điều 127, 128 luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: "Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy, thì chiến sĩ cảnh sát nhân dân (bao gồm cả CSGT) đang thi hành công vụ được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính".
Tương tự, theo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì việc sử dụng vũ lực, trói, khóa tay, chân, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có thời điểm bắt đầu là khi người có thẩm quyền xác định đâu là "trường hợp cần thiết", và thời điểm kết thúc là khi đã khống chế vô hiệu hóa hành vi chống đối. Tại điều 23, 61 của luật này còn quy định rất cụ thể về các trường hợp nổ súng, hay sử dụng công cụ hỗ trợ.
Theo đó, việc sử dụng công cụ hỗ trợ được thực hiện nhằm ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.
Vì những phân tích như trên, theo TS Minh: "Các quy định liên quan đến CSGT được khám người, khám phương tiện, hay trấn áp người chống đối trong các đạo luật chuyên ngành đã rất cụ thể và đầy đủ. Theo tôi, việc "ôm đồm" đưa các quyền này vào luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là không cần thiết, dễ dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu".
TS Minh diễn giải, thừa là một nội dung thẩm quyền lại được quy định trong nhiều văn bản luật khác nhau. Còn thiếu là vì không thể nào quy định hết mọi quyền hạn của lực lượng công an nói chung và của lực lượng CSGT nói riêng chỉ bằng luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Do đó, hợp lý nhất vẫn là việc sử dụng các quy định bằng cách viện dẫn sang các luật chuyên ngành như luật Công an nhân dân; luật Xử lý vi phạm hành chính; luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, ngoài luật Xử lý vi phạm hành chính, thì khoản 5 điều 18 Thông tư số 32 năm 2023 của Bộ Công an cũng quy định: "Khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính".
Theo đó, khi CSGT khám xét phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp khẩn cấp cần khám xét ngay. khám xét người thì phải đảm bảo nam khám nam, nữ khám nữ và có người cùng giới chứng kiến. Khám phương tiện, đồ vật thì phải có chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện và người chứng kiến. Mọi trường hợp khám đều phải lập thành biên bản, giao quyết định khám và biên bản cho người bị khám, chủ phương tiện, đồ vật hoặc người điều khiển phương tiện 1 bản.
Như vậy, quy định trên đã rất chi tiết, điều này vừa đảm bảo thể hiện được quyền hạn CSGT, hạn chế được sự trùng lặp. "Theo tôi, không cần phải bổ sung cụ quy định trên vào dự thảo luật, mà nên ưu tiên triển khai tốt các quy định của luật Xử phạt vi phạm hành chính", luật sư Hậu chia sẻ.
Thế giới quy định sao về CSGT khám xét người, phương tiện?
TS Trần Thanh Thảo (Đại học Luật TP.HCM), việc quy định cảnh sát giao thông được khám xét người, phương tiện khi có căn cứ vi phạm, là phù hợp với pháp luật quốc tế hiện nay. Chẳng hạn pháp luật Mỹ cho phép lực lượng CSGT được phép khám xét người, khám phương tiện vận tải với điều kiện là không trái với quy định của Tu chính án thứ tư Hiến pháp Mỹ.
Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu cảnh sát có lý do chính đáng để nghi ngờ người điều khiển phương tiện giao thông hoặc phương tiện giao thông có cất giấu tang vật nguy hiểm hoặc vi phạm pháp luật thì cảnh sát có quyền khám xét mà không cần lệnh của tòa án. Trong trường hợp không có lý do chính đáng mà thực hiện việc khám người, xe thì đây là hành vi vi phạm Tu chính án thứ tư và bị coi là hành vi khám xét bất hợp pháp.