Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan tăng 786% so với cùng kỳ, đạt hơn 2 triệu USD.
Hiện Ba Lan chiếm gần 2% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam trong khối EU.
Theo báo Công Thương, trong các mặt hàng xuất khẩu, cá ngừ đóng hộp và thịt/loin cá ngừ đông lạnh là 2 nhóm sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường Ba Lan. Trong đó, cá ngừ đóng hộp là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này.
Ba Lan được đánh giá là thị trường tiềm năng cho cá ngừ Việt Nam. Theo những nghiên cứu thị trường tiêu dùng mới đây của The Seafood Consumer Index, trung bình 64% người tiêu dùng Ba Lan đang ăn cá và hải sản ít nhất một lần một tuần và 28% người Ba Lan ăn cá hai lần trở lên trong một tuần. Cá là sự lựa chọn chính vì có nhiều giá trị dinh dưỡng, các loại axit béo Omega-3, Vitamine D, selen, i-ốt và cung cấp nguồn chất đạm hoàn hảo. Hơn nữa người Ba Lan ưa chuộng hương vị của cá, họ có thể chế biến theo nhiều cách.
Theo tạp chí Hải quan, tại Ba Lan, thực phẩm cá và hải sản rất phổ biến và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Hiện có hơn 76% người Ba Lan độ tuổi 20-34 cho biết muốn ăn nhiều cá và hải sản và nhóm người độ tuổi 35-49 thì tỉ lệ là 86%. Các cửa hàng và siêu thị là những địa điểm cung cấp nguồn hàng lớn nhất. Trong khi đó các cửa hàng địa phương, khu chợ nhỏ lẻ thường chỉ bán cá đông lạnh. Có 51% người Ba Lan lựa chọn sản phẩm cá tươi và khoảng 50% ưa chuộng cá hun khói. Tuy nhiên trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19 nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có hạn sử dụng dài hơn, như sản phẩm đông lạnh, cá đóng hộp.
Theo đánh giá của VASEP, bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19, Ba Lan mà một trong những nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng tại châu Âu. Hiện lạm phát ở Ba Lan vẫn giữ được ở mức thấp. Do đó, Ba Lan được đánh giá là thị trường tiềm năng cho cá ngừ Việt Nam, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan.
Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP nhìn nhận, trong 4 năm qua, nhập khẩu cá ngừ của Ba Lan đang ngày càng tăng. Đồng thời, Ba Lan cũng là nguồn cung cá ngừ cho nhiều nước EU như Đức, Romania hay Italy… Do đó, khả năng nhập khẩu cá ngừ của Ba Lan sẽ tiếp tục gia tăng hơn nữa và các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh khai thác thị trường này.
Hiện nay, thị trường này chưa gặp khó khăn đặc biệt gì về hàng rào kỹ thuật song bà Nguyễn Hà cũng lưu ý các doanh nghiệp cần kiểm soát tốt chất lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan, hay các nước EU khác vẫn sẽ gặp khó khăn vì vấn đề thẻ vàng IUU khiến việc làm xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu sang EU bị đình trệ. Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp vừa thiếu nguyên liệu trong nước vừa khó cả với nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước và nhập khẩu minh bạch.
Minh Hoa (t/h)