Nhằm góp thêm góc nhìn về chuyện này, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của thạc sĩ, luật gia Phạm Văn Chung, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản đồng ý với đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2024.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan này đã lấy ý kiến qua mạng xã hội đối với 3.590 cán bộ công đoàn và người lao động.
Theo đó, có 3.129 lượt bình chọn hoán đổi (87%), tức thống nhất với ý kiến đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 302 lượt bình chọn phương án không hoán đổi (8%), còn lại là các đề xuất khác.
Mặc dù các cơ quan chức năng từng sử dụng mạng xã hội để thăm dò, lấy ý kiến trong một số vấn đề, tuy nhiên một tổ chức chính trị - xã hội công khai lấy ý kiến của đối tượng điều chỉnh để làm căn cứ, phục vụ cho công việc chuyên môn, nhiệm vụ của mình, là người dân tôi rất hoan nghênh.
Cách làm này của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được dư luận rất đồng tình, ủng hộ cao. Đây có thể tạo ra tiền đề, cơ sở để các cơ quan hành chính nhà nước khác áp dụng và nhân rộng về sau.
Tất nhiên không phải vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý kiến rộng rãi qua mạng xã hội. Nhưng với một số vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của đông đảo người dân thì việc để người dân tham gia ý kiến, lựa chọn sẽ góp phần đảm bảo tính khả thi khi vận dụng vào thực tế. Ít ra, đó là cơ sở để tham khảo, xem xét trước khi quyết định. Câu chuyện trên là một điển hình.
Với ưu thế vượt trội của mạng xã hội là rất nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện với độ tin cậy, chính xác cao thì việc lấy ý kiến, tổng hợp xử lý ý kiến cũng rất dễ dàng, thuận lợi.
Điều quan trọng nữa là không mất nhiều thời gian, công sức vì kết quả thống kê trực tiếp hiển thị ngay lập tức sau khi người dân nhấn nút bình chọn. Hiệu ứng của việc lấy ý kiến cũng rất nhanh chóng, kịp thời.
Do đó, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể cần quan tâm nhiều hơn nữa việc lấy ý kiến người dân thông qua mạng xã hội.
Trước mắt, có thể tổ chức lấy ý kiến công dân, tổ chức thông qua các diễn đàn chính thức như cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, cơ quan báo chí, truyền thông chính thống được Nhà nước cấp phép hoạt động.
Đồng thời, các đối tượng lấy ý kiến phải xác định được tính chính danh nhằm lấy đúng đối tượng, hạn chế tình trạng lợi dụng mạng xã hội để đưa ra ý kiến, thông tin không mang tính xây dựng, tiêu cực, làm sai lệch dư luận chung.
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ điều gì? Bạn có đồng ý nghỉ 5 ngày dịp lễ 30-4 và 1-5?
Mời bạn bày tỏ quan điểm của mình qua thăm dò dưới đây. Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... của bạn, chúng tôi sẽ chọn lọc đăng tải trong phần bình luận dưới bài viết. Trân trọng!
Thăm dò ý kiến
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về việc người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Ý bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhất trí với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.