Họ cùng hát một đoạn nhỏ trong vở cải lương nổi tiếng Nhụy Kiều tướng quân. Một vở diễn mà khán giả mộ điệu cải lương chắc khó thể quên với hai tài danh Diệu Hiền và Hoài Thanh.
Diệu Hiền, nàng Triệu Thị Trinh xuất sắc
Nói đến sự nghiệp của nghệ sĩ Diệu Hiền mà không nhắc đến vở Nhụy Kiều tướng quân là thiếu sót lớn.
Vai diễn Triệu Thị Trinh được xem là vai diễn để đời của bà và khó ai thay thế.
Nhụy Kiều tướng quân (tác giả: Huỳnh Anh Chi, đạo diễn: Nguyễn Mỹ) nói về bà Triệu Thị Trinh thời còn trẻ, phất cờ khởi nghĩa đánh quân Đông Ngô.
Trong vở, bà có người anh thanh mai trúc mã là tướng quân Lê Minh. Họ đã gác tình riêng vì non sông đại cuộc.
Diệu Hiền không có sự mềm mại nên bà trở thành một trong những cô đào võ nổi tiếng. Giọng bà vang, sáng, có sự uy dũng.
Vũ đạo của bà rất đẹp. Bởi thế, bà là một trong những người thầy đầu tiên đào tạo nghệ sĩ Vũ Linh.
Gần như trái ngược với bà là nghệ sĩ Hoài Thanh có vóc dáng sáng đẹp, nhẹ nhàng, làn hơi trầm ấm mà nói theo ngôn ngữ bây giờ là "soái ca ngôn tình".
Vậy mà khi cả hai kết đôi trên sân khấu với nhân vật Triệu Thị Trinh và Lê Minh thì cực kỳ ăn ý và khắc sâu trong tâm trí người yêu cải lương.
Cho đến nay, dù ở tuổi gần 80 nhưng đi đâu khán giả vẫn yêu cầu Diệu Hiền hát lại câu vọng cổ mà nàng Triệu Thị Trinh tiễn tướng quân Lê Minh lên đường làm nội gián, hoặc đoạn khi nàng thảm thiết gọi tên Lê Minh trên chiến trường khi chàng hiên ngang chết đứng.
Đó là những cảnh bi hùng qua diễn xuất của hai nghệ sĩ khiến người xem rùng rùng xúc động. Nó khiến khán giả rơi nước mắt và thêm yêu quê hương, đất nước.
Hoài Thanh nhớ những ngày gắn bó
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, nghệ sĩ Hoài Thanh xúc động cho biết đến giờ anh vẫn rất nhớ những ký ức về thời gian diễn vở Nhụy Kiều tướng quân.
Anh cho biết thời đó anh và Diệu Hiền là đào kép chánh của Đoàn cải lương Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp). Họ đã diễn chung rất nhiều vở như Tình hận thâm cung, Thạch Sanh - Lý Thông, Thoại Khanh - Châu Tuấn…
"Vở Nhụy Kiều tướng quân đoàn dựng khoảng năm 1977.
Sau đó diễn suốt tới năm 1983, mấy trăm hay cả ngàn suất gì đó tôi không nhớ rõ. Không chỉ ở Đồng Tháp, vở còn được đưa đi lưu diễn TP.HCM và nhiều tỉnh thành, ra tới miền Trung" - Hoài Thanh kể.
Hồi đó mỗi đoàn thường có một tuồng ăn khách, với Đoàn cải lương Tháp Mười thì đó chính là vở Nhụy Kiều tướng quân.
Mỗi lần diễn khán giả đông nghẹt và không khó hiểu khi hai vai diễn đều trở thành những dấu ấn để đời của Diệu Hiền, Hoài Thanh.
Anh nhớ lại thời gian tập tuồng kéo dài suốt 3 tháng, cực nhưng rất vui. Những ngày ăn chợ ngủ đình diễn cho bà con coi.
Anh vui vẻ kể cảnh anh chết đứng cuối vở khi đi tới mỗi tỉnh lại có những ý kiến khác nhau. Đứng chết khơi khơi hay đứng chết mà dựa vô cái cây, cái cột gì đó cũng… nhức đầu lắm!
Sau Đoàn cải lương Tháp Mười, Hoài Thanh và Diệu Hiền còn về làm đào kép chánh Đoàn cải lương Sài Gòn 2 với các vở như Bùi Thị Xuân, Trống lệnh vua Hùng…
Chiều 26-2, năm nghệ sĩ còn lại ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ (tức Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu TP.HCM) đã dọn đồ chuyển sang Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè.