Báo Financial Times đưa tin hôm 9-4, phe nổi dậy Myanmar tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát một căn cứ quân sự ở thành phố trọng điểm Myawaddy, nằm giáp biên giới Thái Lan.
Liên minh Quốc gia Karen (KNU) - một trong những nhóm nổi dậy được hình thành sớm nhất ở Myanmar - cho biết cánh quân sự của họ đã nắm quyền kiểm soát căn cứ quân sự Thin Gan Nyi Naung, gần thành phố thương mại chiến lược Myawaddy.
Phía KNU tuyên bố họ cùng với một lực lượng đối lập khác đã tiến hành một đợt tấn công vào căn cứ quân sự Thin Gan Nyi Naung từ cuối tuần qua. Lực lượng này cũng cho biết hàng trăm sĩ quan quân đội Myanmar đã buông súng đầu hàng và giao nộp vũ khí cho họ.
Financial Times nhận định việc Myawaddy rơi vào tay lực lượng nổi dậy sẽ trở thành một tổn thất to lớn đối với chính quyền quân sự Myanmar.
Đặc biệt sự việc trên xảy ra trong bối cảnh chính quyền quân sự Myanmar đang mất dần một số thị trấn và tiền đồn quân sự ở biên giới vào tay lực lượng nổi dậy. Trong đó, thiệt hại đáng kể nhất được ghi nhận ở khu vực giáp biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.
Trước sự tổn thương của chính quyền quân sự Myanmar, một số nước láng giềng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thay đổi quan điểm về cách tiếp cận với Naypyidaw.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói với Hãng tin Reuters rằng đây chính là thời điểm tốt nhất để hợp tác với giới lãnh đạo quân sự Myanmar, nhằm giải quyết những cuộc xung đột đẫm máu tại nước này.
Cuối tháng 10-2023, "Liên minh 3 anh em" gồm Đội quân Dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội giải phóng dân tộc Ta'ang (TNLA) tấn công, chiếm một loạt đồn quân sự, cửa khẩu biên giới và tuyến giao thương huyết mạch với Trung Quốc.
Kể từ đó, nhiều cuộc nổi dậy do các nhóm vũ trang khác khởi xướng đã bùng nổ trên khắp Myanmar.
Đến tháng 1 vừa qua, một số cuộc đàm phán hòa bình giữa quân đội Myanmar và liên minh các nhóm nổi dậy được tổ chức với Bắc Kinh làm trung gian. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này không thu được kết quả khả quan nào.
Trước tình hình khủng hoảng do các cuộc xung đột, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố luật quản lý nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong tối đa hai năm, áp dụng đối với nam từ 18 - 35 tuổi và nữ từ 18 - 27 tuổi.
Theo đó, luật nghĩa vụ quân sự mới được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền quân sự kịp thời bổ sung thêm quân lực để đối phó với các nhóm nổi dậy.
Trong khi giao tranh leo thang tại khu vực biên giới hai bên, Thái Lan cho biết sẵn sàng sắp xếp chỗ ở cho khoảng 100.000 người phải sơ tán vì chiến sự.