Vùng Kinh Bắc xưa, nay là tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được ngăn chia bởi dòng sông Cầu. Trong đó bờ nam sông thuộc tỉnh Bắc Ninh, còn bên bờ bắc là Bắc Giang. Từ những năm chống Mỹ, người ta vẫn nhớ về vùng đất này qua những câu ca: "Sông Cầu làm bao xanh/ Ngang lưng làng quan họ/Những cánh buồm nhớ thương/Câu ca đầu ngọn gió".
Sạt lở khu dân cư ven sông Cầu, nhiều căn nhà bị nhấn chìm
Những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách như nói lên tất cả những gì nổi bật nhất của xứ Kinh Bắc - một trung tâm văn hóa lâu đời, những câu ca quan họ. Ở đó, sông Cầu là trung tâm, là nguồn sống, bao bọc lấy ngang "lưng làng".
Nhưng từ hàng chục năm trước, ít ai có thể tưởng tượng được "con sông của người quan họ/suốt đời nước chảy lơ thơ" ấy lại đang "chết mòn" bởi ô nhiễm và trở thành nỗi ám ảnh của người dân trước mối lo sạt lở.
'Chỉ trong 5 phút, cả cơ ngơi cứ thế trượt vào dòng nước'
Lúc 23h ngày 2-3, tiếng nước sông vỗ bờ kéo bà Nguyễn Thị Thao khỏi giấc ngủ. "Sau đó là tiếng động lạ, như thứ gì đó rất lớn đang nứt toác ra", người phụ nữ 60 tuổi kể lại.
Sốt ruột, bà gọi thêm 2 người họ hàng ra kiểm tra. Đêm tối, họ soi đèn nhưng không phát hiện điều bất thường.
Những âm thanh vẫn phát ra sau đó khiến bà Thao cùng chồng không khỏi lo lắng dù đã cố đi vào giấc ngủ. Chừng nửa tiếng sau, người con trai út trở về sau ca làm thì phát hiện cánh cổng nhà nứt ra khỏi mặt đất chừng 25cm. Chưa kịp dắt xe, anh chạy lên thông báo tin tức cho bà.
Bà Thao vội vã lên báo sự việc tới tổ dân phố. Chính quyền địa phương sau đó có mặt để đo đạc hiện trường và lên phương án xử lý. Người dân vẫn được trở về nhà, nhưng những ngày sau đó, vệt nứt cứ thế lớn dần.
Trưa 7-3, đò qua bến Thổ Hà tạm nghỉ yên ắng nhưng dòng nước sông Cầu sôi sục. Bà Thoa đang ngồi xem thời sự thì cánh cửa sổ bên hông nhà tự mở bật tung, kêu kẽo kẹt. Linh cảm chẳng lành khiến bà vội chạy lên tầng, gọi giật cậu con trai đang ngủ.
Tới nơi, chân trái của người phụ nữ 60 tuổi phát tác đau, bà phải bám vào cổ con, đi xuống từng bước.
Cả cơ ngơi trôi theo dòng nước đục, cú sốc khiến bà Thao nghẹn giọng. Bà ngồi thụt xuống sát bến đò Thổ Hà, ngước mắt nhìn lại nơi từng là mái ấm hơn nửa đời người.
"Tôi vừa kịp chạy ra tới đầu ngõ thì mọi thứ ập xuống sông. Chỉ trong 5 phút, chẳng ai ngờ lại sạt lớn như thế. Những vệt nứt chạy dài, vuông như được cắt", bà kể, giải thích thêm từ bờ tường bếp tới mép sông còn cách một khoảng đất dài trên 10m.
Hôm ấy, bà Thao mất nhà, nhưng đó chưa phải lần cuối dòng nước sôi sục. Tròn 1 tháng sau, rạng sáng 7-4, sạt lở lại nuốt sâu hơn vào bờ sông thuộc phường Vạn An, nuốt trọn 5 ngôi nhà và 2 công trình chưa hoàn thiện.
"Giờ trắng tay hết rồi, không còn gì cả"
Nhớ lại năm 2015, khi đến khu Vạn An (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) tìm mua nhà để an cư, bà Quy (70 tuổi) cùng con trai đã phải lặn lội tính toán, căn cơ với mức tài chính có hạn.
Họ lựa chọn một mảnh đất cách sông Cầu gần 30m, phía sau là 2 căn nhà mới ra tới mép nước - một khoảng cách được đánh giá là an toàn. Vay mượn khắp nơi, ngôi nhà 2 tầng cùng 1 tum được dựng lên với mong ước về một mái ấm no đủ.
Bà Quy kể cuối năm 2022, vừa trả được hết món nợ mua đất, dựng nhà thì gia đình lại thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng để vay thêm gần 200 triệu. Số tiền được sử dụng vào việc sửa lại căn nhà để 3 người cháu có không gian sinh hoạt và học tập.
Cuộc sống của gia đình 6 thành viên vẫn như dự định cho tới khi tai họa ập tới. Sạt lở vét sạch gia sản tích góp hơn nửa đời người.
Sau sự cố, gia đình bà Quy được chính quyền sắp xếp tới ở tạm tại khu bếp của nhà văn hóa. Toàn bộ quá trình sinh hoạt, ăn ở của 6 thành viên đều xoay quanh khu vực rộng khoảng 20m2. Giường ngủ được thay thế bằng chiếc lều cắm trại.
Tháng 4, cái nóng đầu mùa khiến họ chỉ còn biết vượt qua bằng 2 chiếc quạt. Làm thế nào để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt trong mùa hè sắp tới là câu hỏi mà 6 thành viên trong gia đình phải tự tìm cách trả lời.
"Giờ trắng tay hết rồi, chẳng còn gì cả", bà Quy gạt nước mắt. Được hỏi thêm về dự định sau này, bà nói chưa dám nghĩ thêm bởi khoản nợ cũ vẫn chưa trả xong. Con trai và con dâu đi làm công nhân ở khu công nghiệp; kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chậm lương khiến cuộc sống thêm bộn bề.
Theo thống kê, tỉnh Bắc Ninh xác định khu vực nguy hiểm là phạm vi 25m, tính từ ngôi nhà đổ sập hôm 14-3. Chính quyền địa phương đã di dời khoảng 12 hộ ở khu vực ven đê sông Cầu, bao gồm 6 ngôi nhà bị sạt lở và những ngôi nhà trong vùng nguy hiểm.
"Trước mắt chúng tôi tập trung ổn định chỗ ở tạm cho những người dân bị ảnh hưởng", ông Đặng Thanh Ngân (phó chủ tịch UBND phường Vạn An, TP Bắc Ninh) nói và cho biết đến ngày 15-4, phường sẽ chuyển những người phải di dời về trường mầm non cũ trên địa bàn. Nơi này học sinh đã chuyển sang trường mới để học tập nên sẽ có hơn chục phòng ở, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện, nước, nhà vệ sinh.
Về nguyên nhân khiến dòng sông "nuốt trọn" cơ nghiệp nhiều người, ông Ngân cho hay chính quyền bước đầu nhận định đoạn sông Cầu chảy qua phường Vạn An là khúc sông cong, uốn lượn dẫn tới nước dồn lực mạnh hơn về bờ. Hơn nữa, bờ sông phía Bắc Ninh là bên lở, địa chất yếu.
Thêm một nguyên nhân quan trọng được ông Ngân chỉ ra là phía bờ sông thuộc tỉnh Bắc Giang trong 20 năm qua diễn ra tình trạng xây dựng, đổ phế thải lấn ra lòng sông gây thu hẹp dòng chảy, dẫn tới mất ổn định phía bờ tỉnh Bắc Ninh. "Nguy cơ này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo từ cuối năm 2023", ông Ngân nói, cho biết trước mắt chính quyền sẽ tháo dỡ, san gạt những ngôi nhà đã sập, giảm tải cho bờ bãi, hạn chế sạt lở tiếp diễn.
Về lâu dài, di dời toàn bộ khu vực nhà dân phía sát bờ sông để làm bờ kè và đường dạo là chủ trương của địa phương. Tuy nhiên, bài toán về kinh phí, quỹ đất tái định cư và đảm bảo sinh kế đến nay vẫn chưa có lời giải.
Từ dạo tới nơi ở mới, bà Thao vẫn giữ thói quen về nhà hằng ngày để mang cơm cho chú chó đã sống với gia đình hơn chục năm. Ngày bà di dời, nó vẫn nhất định ở lại ngôi nhà cũ, nay chỉ còn là một mỏm đất nhỏ.
Ngày 2 lần, bà Thao vòng qua bến đò Thổ Hà, cách xa khu sạt chừng 30m nhưng vẫn đủ để quan sát mọi thứ phía trong. Như thường lệ, bà để bát cơm lại cho chú chó rồi ngồi trầm ngâm bên mép nước, nơi con sóng sông Cầu vẫn vỗ "oàm oạp" vào bờ.
Cầu Trung Hà vẫn trơ trụ móng dù các nhà máy thủy điện xả hàng tỉ m³ nước phục vụ vụ đông xuân. Cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cho hay việc sửa chữa cần được phê duyệt và cấp phép.