Giá dầu thô giao sau trên thị trường thế giới đã có phiên giảm thứ hai liên tiếp sau chuỗi ngày tăng mạnh. Nguyên nhân chính được cho là do các nhà đầu tư tạm ngưng mua vào sau khi căng thẳng ở Trung Đông có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo CNBC, dầu WTI của Mỹ đã tăng 19% giá trị trong năm nay, trong khi dầu Brent thế giới tăng 16%. Căng thẳng địa chính trị, nhu cầu tiêu thụ gia tăng và việc OPEC+ cắt giảm sản lượng là những nguyên nhân chính. Ngân hàng Barclays dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 400.000 thùng dầu mỗi ngày, trong năm nay. Dầu giảm giá phiên đầu tuần này sau khi Israel giảm lực lượng tại Gaza vào cuối tuần trước, một tín hiệu cho thấy chiến dịch quân sự của nước này có thể sang giai đoạn hạn chế hơn.
Trang Bloomberg cho rằng giới đầu tư vào dầu vẫn tin loại hàng hóa này sẽ tiếp tục tăng giá trong nửa cuối của năm, sau khi đã có lúc chạm mốc 90 USD vừa qua.
Giá dầu tăng là mối đe doạ số một với kinh tế Mỹ
Vitol Group, nhà đầu tư vào dầu độc lập lớn nhất thế giới, kỳ vọng nhu cầu về dầu sẽ tăng ở mức 1,9 triệu thùng/ ngày trong năm nay, nghĩa là tăng 30% so với mức hiện tại do Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra. Cán cân về giá bây giờ phụ thuộc vào OPEC+. Tháng 6, họ phải quyết định có tăng sản lượng khi giá tăng hay không. Nếu dầu tăng quá 100 USD/thùng, nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm, trong khi nhiều nước có khả năng tăng sản lượng.
Các chuyên gia cho rằng trong nửa cuối của năm, dầu quanh mức giá 80-100 USD/ thùng sẽ là hợp lý. Tuy nhiên, giá dầu tăng lên ngưỡng 100 USD/ thùng cũng đồng nghĩa sẽ là áp lực rất lớn đối với kinh tế Mỹ thời gian tới.
Theo chuyên gia kinh tế của Moody's, trang tài chính của CNN viết: "Giá dầu tăng là mối đe doạ số một với kinh tế Mỹ". Chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's, Mark Zandi cho biết, chúng ta có thể thẩm thấu dầu ở mức 85-90 USD. Nếu vượt quá 90 USD/thùng, đó sẽ là vấn đề. Theo bài báo, giá dầu leo cao, đe doạ chi tiêu tiêu dùng, giảm hiệu quả cuộc chiến chống lạm phát, khiến Fed có thể trì hoãn việc hạ lãi suất và làm phố Wall hoang mang.
Trang Marketwatch cho rằng, dầu vốn vẫn được Fed và giới tài chính coi là xu hướng tạm thời. Nó có nhiều biến động tới mức bị loại ra khỏi các chỉ số cốt lõi mà các ngân hàng Trung ương quan tâm. Người ta thường ít nói về khả năng ảnh hưởng trong dài hạn của nó.
Nhưng theo các chiến lược gia của Barclays, dầu vẫn có thể tăng giá trở lại, rủi ro địa chính trị ở Trung Đông chưa chắc chắn đã phai nhạt. Nên dầu tăng giá, dù trong ngắn hạn, tại thời điểm này cũng sẽ "khuấy" lại mối lo ngại về lạm phát, làm lệch hướng đợt phục hồi của thị trường chứng khoán, một thị trường vốn đang đặt cược rất lớn vào đợt hạ lãi suất lần đầu tiên của Fed trong nửa cuối năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.34120101101404202-ym-et-hnik-iov-tom-os-aod-ed-iom-al-gnat-uad-aig/et-hnik/nv.vtv