Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (tác giả: Phạm Văn Quý, chỉnh lý kịch bản: Võ Tử Uyên, đạo diễn: Hoàng Duẩn) là vở kịch mở đầu chương trình Sân khấu sử Việt học đường của Nhà hát kịch Idecaf.
Lê Văn Duyệt: Quan thì nên sống mãi trong lòng dân
Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử không khai thác toàn bộ cuộc đời ông Lê Văn Duyệt mà nhấn mạnh vào vụ án ông xử chém Quốc trượng Huỳnh Công Lý, cha của Huệ Phi, người mà vua Minh Mạng sủng ái.
Thế nhưng, chỉ qua một vụ án đã làm sáng lên nhân cách của một người mà "với triều đình là trọng tội nhưng với dân, ông là thần".
"Thần" không phải gì đó cao siêu mà giản dị với suy nghĩ phải bảo vệ, che chở cho dân, đem lại cho dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Và trong thời buổi loạn lạc đó, điều mà Lê Văn Duyệt đau đớn nhận ra rằng cuộc chiến chống tham quan ô lại còn gian nan hơn cả khi ông xả thân giữa làn tên mũi đạn nơi sa trường.
Thế nhưng với sự khẳng khái, bộc trực ông đã dám "vuốt râu hùm" khi đụng tới Huỳnh Công Lý dù biết chắc rằng phải gánh hậu quả khủng khiếp.
Với ông Lê Văn Duyệt, dân mới là quan trọng. Làm quan không thể ăn trên ngồi trốc. Bởi "Quan nhất thời, dân vạn đại. Lật thuyền cũng là dân, nâng thuyền cũng do dân".
Hiểu được chân lý đó và sống chết vì chân lý đó nên đến hôm nay, Đức ông Lê Văn Duyệt vẫn sống mãi trong lòng người dân Sài Gòn - Gia Định là vậy.
Nghệ sĩ và khán giả cùng bày tỏ lòng tôn kính
Có thể thấy, Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử được đầu tư dàn dựng nghiêm túc. Nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu hết sức nghiêm cẩn và khán giả ngồi xem rất chăm chú.
Không khí đó không dừng ở buổi thưởng thức nghệ thuật thông thường mà dường như cả nghệ sĩ và khán giả đang cùng bày tỏ lòng tôn kính đến vị Tổng trấn có dấu ấn to lớn ở vùng đất Gia Định.
Tiết tấu vở diễn nhanh, mạnh, kịch tính nên hấp dẫn từ đầu tới cuối. Trang phục sát lịch sử, đẹp, cảnh trí vở diễn sáng và thể hiện được những ẩn ý mà vở muốn chuyển tải.
Trong vở, đạo diễn còn đưa múa cung đình lục cúng hoa đăng, âm nhạc, trình thức hát bội vào một cách hợp lý để tạo điểm nhấn và giúp khán giả trẻ tiếp cận với văn hóa truyền thống.
Lần đầu tiên thể hiện một nhân vật lớn trong vở kịch lịch sử nên Đình Toàn (vai Tả quân Lê Văn Duyệt) rất áp lực. Vở gồm 11 cảnh thì 10 cảnh có Đình Toàn, nghĩa là anh gần như trụ suốt ngoài sân khấu.
Thế nhưng bằng sự kính trọng và tìm hiểu kỹ càng về ông, Đình Toàn đã nhận được nhiều lời khen ngợi với hình ảnh Lê Văn Duyệt khẳng khái, quyết đoán, thương dân, trọn nghĩa nước, vẹn tình nhà.
Ở phía đối trọng là Đại Nghĩa trong vai Huỳnh Công Lý. Anh chinh phục khán giả với vai độc, thỉnh thoảng có pha hài duyên dáng.
Các diễn viên khác như Quang Thảo (vua Minh Mạng), Mỹ Duyên (Huệ Phi), Hoàng Trinh (bà Đỗ Thị Phận), Quốc Thịnh (Trương Tấn Bửu), Hòa Hiệp (Lê Văn Khôi)…, mỗi người đều góp phần thành công cho vở diễn.
Tuy nhiên, là vở lịch sử thoại nhiều, khó nên trong suất đầu tiên còn một số diễn viên bị quên và vấp thoại.
Mỹ Duyên đã có một vai hay trong vở là bà Huệ Phi quen thói hống hách, ỷ mình được vua yêu nên hay xúc xiểm trung thần, trục lợi cho gia đình mình.
Vai của Mỹ Duyên có lẽ sẽ hay hơn nếu chị chú ý kỹ hơn vào điệu bộ, đi đứng khi diễn vở lịch sử cho ra cốt cách một bà hoàng.
Những đoạn bà phi "làm trận, làm thượng" với vua cũng cần sắc hơn để đem lại hiệu quả cao nhất cho vai diễn.
Trong thực tế, Tả quân Lê Văn Duyệt lớn hơn vua Minh Mạng gần 30 tuổi, thế nhưng người xem vẫn chưa thấy rõ độ chênh tuổi của hai nhân vật do Đình Toàn, Quang Thảo thể hiện.
Có lẽ ở những suất tiếp theo hai diễn viên cần nghiên cứu cách hóa trang, giọng thoại… bởi không ít khán giả vẫn tưởng hai ông trạc tuổi nhau.
Sau đêm diễn ra mắt, Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử sẽ diễn thêm các suất ngày 21 và 28-4. Nhà hát sẽ tính toán để lên lịch tiếp tục phục vụ khán giả.
TT - Tối 26-9, trước giờ diễn vở kịch Tả quân Lê Văn Duyệt khoảng 40 phút, một cơn mưa tầm tã trút nước xuống khu vực Lăng Ông. May mắn thay, chỉ 10 phút trước giờ diễn, mưa dứt hạt...