Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong ngày 10-4, tại các chợ trên địa bàn TP Nha Trang chỉ lác đác một số gian hàng bán gà, số lượng mặt hàng rất ít. Không ít quán cơm gà đóng cửa vì khách vắng vẻ.
Gà ế từ quầy hàng chợ đến quán cơm ở Nha Trang
Theo các tiểu thương bán gà tại chợ Xóm Mới, trước đây mỗi tiểu thương bán trên dưới 20 con gà mỗi ngày. Nhưng kể từ lúc xảy ra các vụ ngộ độc sau khi ăn những món làm từ gà, các tiểu thương bán mỗi ngày chỉ 1-2 con, có ngày không ai hỏi mua.
Bà Nguyễn Thị Cúc - trưởng ban quản lý chợ Xóm Mới - cho hay tại chợ có 4 tiểu thương bán gia cầm giết mổ nhưng số lượng tiểu thương này buôn bán không đều đặn, nhất là qua những vụ ngộ độc thực phẩm gần đây, lượng gà các quầy nhập vào giảm gần 60%.
"Tại chợ, ban quản lý sẽ luôn kiểm tra trên thân gà có được đóng dấu kiểm định, có trình bày được nguồn gốc hàng không. Vì vậy những tiểu thương tại chợ rất mong người tiêu dùng hãy an tâm mua thịt gà đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm mà sử dụng", bà Cúc nói.
Một số quán bán cơm gà tại TP Nha Trang phải đóng cửa vì ế ẩm - Ảnh: MINH CHIẾN
Cũng theo bà Cúc, ban quản lý chợ chỉ kiểm tra và đảm bảo chất lượng hàng hóa bên trong chợ. Còn bên ngoài các chợ tự phát mọc theo các tuyến đường, những quầy hàng tại đây do địa phương quản lý về chất lượng.
Tại chợ Đầm Nha Trang chỉ có 1-2 tiểu thương bán gà, chủ yếu là gà còn sống. Vì không có người mua, các tiểu thương tạm thời đóng gian hàng chờ thị trường ổn định.
Những nhà hàng, quán ăn chế biến từ gà cũng vắng hoe, thậm chí đóng cửa vì không có khách.
Theo chủ quán cơm gà 78, đường Lê Đại Hành, mấy hôm nay chỉ nghe thông báo từ phường là sẽ có đoàn kiểm tra liên ngành đến để khảo sát. Tuy nhiên 2 ngày nay vẫn chưa thấy ai đến kiểm tra.
Chị Nguyễn Thị Thái Thoan, chủ quán cơm gà Út ở đường Yersin, xác nhận: "Gần đây hay xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nên khách hàng họ ngại ăn uống, có mở ra cũng ế. Vậy nên quán tôi phải tạm đóng cửa khi nào êm êm, tình hình ổn định sẽ mở cửa lại phục vụ khách", chị Thoan nói.
Người dân không nên hoang mang
Các tiểu thương buôn bán hàng gà sống, thịt gà trong các chợ ở TP Nha Trang mong muốn cơ quan chức năng cần sớm xác định nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm xem có phải do gà, sản phẩm từ gà hay không, nguồn gốc xuất xứ như thế nào... và công bố công khai cho dân biết, hiểu, không để tình trạng "tẩy chay oan" cho gà, thịt gà.
Bà Trần Thanh Thúy - phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa) - cho hay người dân không nên quá hoang mang về những vụ ngộ độc thực phẩm gần đây.
Chi cục thường xuyên có văn bản thông tin đến các đơn vị, cá nhân hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện tốt, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Trong đó có kiểm soát bắt buộc trên thân thịt động vật, gia cầm phải đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem vệ sinh thú y mới được lưu hành, buôn bán.
"Đến thời điểm hiện tại, đối với gà trong lò giết mổ tại thành phố hoàn toàn được kiểm tra, đảm bảo. Tuy nhiên trong thời gian gà vận chuyển ra ngoài cũng như khâu bảo quản không đúng có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, còn khẳng định ngộ độc thực phẩm từ gà đang được bày bán là không có cơ sở", bà Thúy nói.
Ông Trịnh Ngọc Hiệp - phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa - cho hay thời tiết nắng nóng hiện tại là điều kiện để vi khuẩn phát triển mạnh. Vì vậy, cần nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, bảo quản thực phẩm sau chế biến...
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải thực hiện tốt trách nhiệm, đạo đức trong sản xuất, kinh doanh. Thực phẩm sau khi chế biến xong phải ăn ngay, không để quá 2 giờ vì lúc này thực phẩm dễ bị biến chất, vi khuẩn xâm nhập.
Sau loạt vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều học sinh nhập viện, phụ huynh ở TP Nha Trang càng thêm lo khi hàng rong vẫn bày bán trước nhiều trường.