Nhận diện thủ đoạn lừa đảo
Phạt nguội là một biện pháp quản lý và xử lý vi phạm giao thông được áp dụng rộng rãi trong hệ thống quản lý giao thông hiện nay. Điều này nhằm đảm bảo an toàn và trật tự giao thông trên các tuyến đường. Hình thức này thường được áp dụng đối với những người tham gia giao thông có hành vi vi phạm luật giao thông.
Thời gian gần đây, lợi dụng hình thức này kẻ gian đã gọi điện và nhắn tin từ số lạ tự xưng là cảnh sát giao thông và thông báo nộp phạt nguội.
Như trường hợp anh T. (Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây nhận được cuộc điện thoại có đầu số +1844498… thông báo lỗi vi phạm giao thông tại Đà Nẵng.
Anh T. cho biết, tổng đài thông báo có biên lai cần nộp phạt và yêu cầu kết nối với Cục Cảnh sát giao thông. Tổng đài viên tự xưng mình làm ở Cục Quản lý giao thông và đề nghị cung cấp số biên bản.
"Nếu chưa nhận được số biên bản, yêu cầu cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân… để tổng đài kiểm tra", giọng nam nhân viên nói.
Tin thật, anh T. đã cung cấp tên, tuổi, CCCD thì được biết anh gây tai nạn rồi bỏ chạy, và cơ quan chức năng đang điều tra.
Anh phân bua với tổng đài rằng mình không có mặt ở Đà Nẵng trong khoảng thời gian như phiếu phạt. Họ đưa ra đủ lý do rằng có thể tôi làm rơi giấy tờ xong bị giả mạo hoặc ai đó làm giấy tờ giả để thuê xe.
Sau gần 30 phút trao đổi, anh T. cương quyết từ chối nhận lỗi và tổng đài viên đã dập máy.
Anh P. trình báo tại Công an quận Cầu Giấy, vừa qua anh nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là công an. Người này thông báo anh P. vi phạm giao thông.
Đối tượng còn nói anh có liên quan đến việc mua bán tài khoản ngân hàng để rửa tiền. Để xác định anh P. không liên quan đến các vụ việc trên, đối tượng yêu cầu anh P. phải chứng minh tài chính bằng cách chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Sau khi chuyển khoản, anh P. phát hiện mình bị lừa đảo và đến Công an phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) trình báo.
Trước tình trạng trên, Bộ Công an đã thông báo thủ đoạn của nhóm đối tượng lừa đảo trên. Thủ đoạn chung của chúng là thông báo hành vi vi phạm giao thông hoặc gây tai nạn giao thông với thời gian, địa điểm... cụ thể của người dân. Tuy nhiên, đã quá thời hạn xử lý nên đề nghị người vi phạm cung cấp số biên bản.
Nếu tài xế nói "chưa nhận được biên bản", kẻ xấu lại yêu cầu người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng... để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt.
Nhiều chủ xe khi được nghe thông báo này, rất hoang mang, lo sợ nên đã sập bẫy, mất tiền. Các đối tượng này yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn; hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý "phạt nguội".
Đồng thời, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt. Đặc biệt khi gọi lại số điện thoại kia thì đều không liên lạc được.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho hay, chiêu thức lừa đảo trên không mới nhưng vẫn có nhiều người "nhẹ dạ, cả tin" bị mắc lừa.
Để tránh mắc bẫy lừa đảo, cơ quan chức năng khuyến cáo
Theo Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023 của Bộ Công an về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông quy định:
Các trường hợp vi phạm "phạt nguội" đều được gửi thông báo yêu cầu chủ xe, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính.
Nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thì đến trụ sở công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin); đồng thời đăng trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để người dân chủ động tra cứu, chấp hành việc xử phạt.
Ngoài ra, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người dân cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện lừa đảo qua thông báo "phạt nguội" giao thông.
Đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh "mắc bẫy của đối tượng xấu".
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn.
Trao đổi với Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Thị Hường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo và không thể liên lạc lại được với đối tượng lừa đảo, bị hại/người bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi mình cư trú (Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an...) để được giải quyết kịp thời.
Quỳnh Chi (t/h)